(TG)- 10 năm về trước, thực hiện giải pháp có ý nghĩa đột phá để phát triển và nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là “Đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập”, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập.
Đây được coi như “Khoán 10” trong khoa học, đã “cởi trói” cho chất xám. Tuy nhiên, trong 10 năm triển khai, đến nay vẫn còn nhiều tổ chức KH&CN chậm chuyển đổi. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh về vấn đề này.
PV: Thưa ông, công có thể cho biết nguyên nhân khiến tiến độ chuyển đổi của các tổ chức quá chậm?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Việc chậm tiến độ của các tổ chức xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất chưa quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện Nghị định 115 cho nên đến nay, còn một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa phê duyệt xong đề án thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN công lập trực thuộc, thậm chí có địa phương chưa phê duyệt được đề án nào như Hà Nội, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hà Nam, Khánh Hòa, Lai Châu.
Bên cạnh đó, một số cơ quan nhà nước chưa nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ quy định của Nghị định 115 về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với tổ chức KH&CN, như ưu đãi trong việc vay vốn, đất đai, hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế thu nhập,…do đó tổ chức KH&CN chưa được hỗ trợ thực sự khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115.
Thứ hai, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến triển khai Nghị định 115 còn thiếu đồng bộ. Cụ thể tổ chức KH&CN công lập không có quyền góp vốn và thế chấp bằng quyền sử dụng đất, không được tự chủ về nhân lực, không có tư cách pháp nhân…
Thứ ba là hạn chế về tiềm lực của các tổ chức KH&CN do trình độ cán bộ nghiên cứu tại các tổ chức KH&CN, nhất là ở các địa phương nhìn chung còn hạn chế. Bên cạnh đó nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ nhân lực tại các tổ chức KH&CN rất lớn nhưng không được đáp ứng vì không có nguồn kinh phí thường xuyên duy trì cho hoạt động này.
Nguyên nhân cuối cùng là do tâm lý ỷ lại vào bao cấp kinh phí nhà nước còn tồn tại sâu đậm trong một số bộ phận lãnh đạo tổ chức KH&CN cũng như các nhà khoa học muốn được nhà nước cấp kinh phí để tiếp tục hoạt động, chưa mạnh dạn đổi mới tư duy, còn bỡ ngỡ khi bước vào nền kinh tế thị trường.
Phóng viên: Ý kiến của ông về nguyên nhân khiến việc triển khai Nghị định 115 chậm hơn kỳ vọng do các nhà khoa học đưa ra?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo tôi chính là việc “chưa chuyển đổi do cơ chế quản lý hoạt động KH&CN và cơ chế tài chính chưa phù hợp”.
Tuy nhiên trên thực tế, có không ít tổ chức KH&CN luôn chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc tìm kiếm, tham gia các nhiệm vụ KH&CN, khai thác và sử dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh đã mang lại doanh thu cao cho các tổ chức KH&CN.
Có nhiều tổ chức KH&CN thực hiện thành công Nghị định 115 như Viện dầu khí Việt Nam, Viện máy và dụng cụ công nghiệp, Viện nghiên cứu cơ khí, Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)…
Phóng viên: Thưa ông, vậy giải pháp cụ thể gì để hoàn thành việc chuyển đổi là gì?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Theo tôi, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc Quy định của Nghị định 115, nhất là việc phân loại và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN trực thuộc.
Phải kiên quyết sát nhập, giải thể tổ chức KH&CN hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó phải thực hiện đúng quy định về cấp kinh phí hoạt động thường xuyên thông qua nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN công lập.
Ngoài ra cần có chế tài xử lý đủ mạnh đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc Nghị định 115.
Đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư khi sát nhập, giải thể tổ chức KH&CN. Khi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, việc giải quyết lao động dôi dư nhằm sắp sếp, kiện toàn lại bộ máy nhân sự của tổ chức KH&CN theo hướng hiệu quả, gọn nhẹ là điều cần thiết.
Phóng viên: Sắp tới Bộ KH&CN cùng các bộ, ngành, địa phương có cơ chế hỗ trợ cán bộ dôi dư khi sát nhập, giải thể tổ chức KH&CN?
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Cán bộ dôi dư khi tổ chức KH&CN sắp sếp lại tổ chức bộ máy (sát nhập, giải thể) để thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được hưởng chính sách tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và thông tư liên tịch số 10/2015/TTLT-BNV-BTC ngày 14/5/2015 của liên bộ Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Chính sách tinh giản biên chế. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để hỗ trợ cán bộ dôi dư khi sát nhập, giải thể các tổ chức KH&CN..
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Mai Hà (thực hiện)