Chủ Nhật, 24/11/2024
Thể thao
Thứ Sáu, 19/6/2009 15:20'(GMT+7)

Brazil đặt một chân vào bán kết Confederations Cup

Không chỉ hay trong tấn công, Brazil (áo vàng) còn tìm được sự hợp lý trong cả phòng ngự.

Không chỉ hay trong tấn công, Brazil (áo vàng) còn tìm được sự hợp lý trong cả phòng ngự.

Cảm giác về một chiến thắng cho Brazil sớm xuất hiện khi họ kiếm được bàn mở tỷ số nhờ công Melo, không lâu sau tiếng còi khai cuộc. Khi hiệp đấu đầu tiên còn chưa đi được nửa thời gian, đội bóng từng năm lần vô địch World Cup đã dẫn 2-0 với pha làm bàn của Robinho.

Mỹ vùng lên sau giờ nghỉ, nhưng khi chưa kịp chuyển hóa được thành điều gì cụ thể thì sự máu lửa đã khiến họ trả giá là chiếc thẻ đỏ dành cho Kljestan. Chừng năm phút sau tình huống đó, Brazil có bàn thắng thứ ba, và tác giả lần này là Maicon. Về cuối trận, Mỹ bất ngờ có hai cơ hội ngon ăn nhưng không một lần nào bóng chịu vào lưới Brazil, mà đều tìm đến xà ngang.

Do Ai Cập bất ngờ đánh bại Italy 1-0 ở trận đấu muộn, Brazil chưa thể sớm giành quyền vào vòng trong. Tuy nhiên, với thế chủ động trong tay, ở lượt đấu cuối họ chỉ cần hòa Italy là đủ để đi tiếp bất chấp mọi kết quả.

Trận ra quân gặp Ai Cập, Brazil thắng nhưng khó nhọc. Họ có đến ba lần bị thủng lưới (bằng một nửa số bàn thua phải nhận trong 14 trận ở vòng loại World Cup 2010), và chỉ có ba điểm trọn vẹn nhờ bàn ấn định 4-3 trên chấm 11 mét của Kaka phút cuối cùng hiệp hai. Không phải đợi lâu, rất nhiều lời chỉ trích sau đó dồn dập đổ lên họ, đặc biệt là từ những ai xưa nay vốn không ưa "Brazil kiểu Dunga" - với lối chơi đề cao tính hiệu quả hơn là mỹ học truyền thống.

Chính vì vậy, cuộc chiến của họ với đội tuyển Mỹ bị soi xét một cách đặc biệt. Không phải là chuyện có thắng hay không, bởi ba điểm hầu như khó thoát khỏi tầm tay Brazil khi trong 13 lần đối đầu trước họ từng thắng 12 lần. Vấn đề là thầy trò Carlos Dunga sẽ giải bài toán đến từ Bắc Mỹ như thế nào, thuyết phục hay không? Và thực tế, họ đã có câu trả lời thỏa đáng.

Dunga ở trận đấu này có một số điều chỉnh mang tính quyết định, đáng chú ý nhất là việc không sử dụng Daniel Alves. Hậu vệ phải của Barca bình thường có thể xem là mẫu cầu thủ hoàn hảo, khi không chỉ phòng ngự mà còn có thiên hướng tấn công nhạy bén. Nhưng đôi khi vì ham hố nên dễ xảy ra tình trạng hở sườn, ảnh hưởng đến khả năng phòng ngự. Trận gặp Ai Cập ba ngày trước là ví dụ. Vị trí hậu vệ phải vì vậy lần này được giao phó cho Maicon. Và chính ngôi sao của Inter, ngay phút thứ 7, đá phạt chuẩn xác đưa bóng đến đầu Felipe Melo, và tỷ số được mở cho Brazil khi họ còn chưa thực sự nóng máy.

Tuyển Mỹ (trắng) quá yếu so với Brazil.

Tình tiết ấy làm đậm thêm cho kiểu thế trận diễn ra lúc trước. Mỹ gần như bất lực và chỉ biết đứng nhìn đối thủ nhảy múa.

Nếu phút 23 Kaka dứt điểm thành công sau một loạt pha xử lý tinh tế, Gilberto Silva không đánh đầu chệch cột đầy phung phí sau đường chuyền thuận tầm của Maicon phút 40, hay một chân sút đích thực nào đó thay vì trung vệ Lucio nhận cơ hội kết thúc hai phút sau..., cách biệt nhiều khả năng được gia tăng thêm cho Brazil trước khi hiệp một kết thúc.

Sau giờ nghỉ, tinh thần và lối chơi của đội tuyển Mỹ được cải thiện đôi chút. Họ mạnh dạn dâng cao và tìm vận may từ những cơ hội hiếm hoi. Conor Casey mới vào sân thay người tạo được ngay một tình huống nguy hiểm trước khung thành Julio Cesar, rồi Michael Bradley kết thúc uy lực từ ngoài cấm địa nhưng chệch đích.

Tuy nhiên, khi sự hưng phấn còn chưa kịp tạo đột biến thì chính nó đã khiến đội bóng áo trắng gặp bất lợi. Sacha Kljestan trong một pha tranh chấp tỏ ra quá ăn thua, phạm lỗi với Ramires và phải nhận thẻ đỏ trực tiếp phút 58.

Dẫn hai bàn lại được chơi hơn người, Brazil tất nhiên biết phải làm thế nào cho tốt nhất. Phút 63, với sự góp mặt của Kaka, đội tuyển áo vàng xanh phối hợp bật tường đẹp mắt trong cấm địa, tạo điều kiện cho Maicon có cơ hội sục bóng khéo léo từ góc hẹp, làm tung nóc lưới của Howard, gia tăng cách biệt lên thành 3-0.




Chỉ cần một điểm trong trận gặp Italy, Brazil sẽ chắc chắn có suất ở vòng trong.

Với chiến thắng nằm trong tầm tay, HLV Dunga sau đó vừa đưa ra các thay đổi về nhân sự nhằm thử nghiệm vừa yêu cầu học trò đá chậm để dưỡng sức. Mỹ nhờ đó có được chút không gian để thở. Khoảng 10 phút cuối, họ thậm chí có hai cơ hội ngon ăn là cú dứt điểm từ xa của cầu thủ vào thay người Benny Feilhaber và pha kết thúc bằng đầu của Casey Conor trong cấm địa. Nhưng cả hai lần đó bóng đều tìm đến xà ngang.

Trận thua này khiến Mỹ tiếp tục nằm bẹp ở đáy bảng. Cơ hội đi tiếp của họ hầu như không còn (nếu Ai Cập không bất ngờ thắng Italy, thầy trò Bradley đã phải sớm nói lời chia tay giải). Brazil trong khi đó trở thành đội nắm nhiều cơ hội đi tiếp nhất bảng B.

Đội hình thi đấu:

Mỹ: Howard, Bornstein, Onyewu, DeMerit, Spector, Bradley, Dempsey, Kljestan, Beasley (Casey 46), Donovan, Altidore (Feilhaber 61).
Dự bị không được sử dụng: Guzan, Adu, Bocanegra, Califf, Clark, Davies, Pearce, Torres, Wynne, Robles.
Thẻ đỏ: Kljestan (58).

Brazil: Julio Cesar, Maicon, Lucio (Luisao 71), Miranda, Andre Santos, Kaka (Julio Baptista 69), Felipe Melo, Silva, Ramires, Robinho, Luis Fabiano (Nilmar 70).
Dự bị không được sử dụng: Victor, Alexandre Pato, Dani Alves, Elano, Josue, Juan, Kleber, Kleberson, Gomes.
Bàn thắng: Felipe Melo 7, Robinho 20, Maicon 63.

Bảng B

TT Đội Trận T H B HS Điểm

(Theo VnExpress)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất