Việc cử tri Vương quốc Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)
trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 vừa qua đã đặt ra một dấu hỏi lớn về
vị thế của đồng bảng Anh trong nhóm những đồng tiền tệ quyền lực đang
chi phối hệ thống tài chính toàn cầu.
Kể từ khi kết quả Brexit được công bố, đồng bảng Anh đã sụt giảm 14% và
rơi xuống mức thấp nhất của 31 năm so với đồng USD. Đây được coi là cơn
ác mộng tồi tệ nhất đối với một trong số những đồng tiền chủ chốt của
thế giới.
Có thể những tác động đầu tiên của việc đồng bảng Anh xuống giá là chưa
thật rõ nét đối với dân Anh khi người tiêu dùng sẽ chỉ cảm thấy giá
thành nhập khẩu đắt đỏ hơn, chi phí cho các chuyến du lịch nước ngoài
tăng cao và hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp nhờ mức giá cạnh tranh.
Song, trên phương diện quốc tế, theo nhận định của Giám đốc hãng xếp
hạng tín nhiệm S&P Frank Gill, Brexit sẽ đe dọa đến tư cách của đồng
bảng Anh như là một trong những đồng tiền dự trữ của các ngân hàng
trung ương và các quỹ tài sản.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh tích cực hơn, đồng bảng Anh mất giá lại là
một tin vui đối với ngành công nghiệp khí đá phiến của nước Anh. Trước
tiên, đồng nội tệ sụt giảm sẽ làm chi phí nhập khẩu khí đốt vào Anh tăng
cao, khiến các dự án sản xuất khí đốt tại nước này, vốn bị trì hoãn vì
không thể cạnh tranh với việc giá dầu xuống thấp và sự phản đối từ các
nhà vận động địa phương, trở nên hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, Tân Thủ tướng nước Anh là bà Theresa May, trong bài phát
biểu của mình hôm 11/7 vừa qua, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc
đảm bảo nguồn cung năng lượng, mà trong đó khí đá phiến là một trong
những mũi nhọn.
Trong một diễn biến có liên quan, các quan chức chính phủ Anh mới đây đã
khẳng định rằng xứ sở sương mù sẽ đạt mục tiêu sử dụng năng lượng tái
tạo để đáp ứng 15% nhu cầu năng lượng của đất nước đến năm 2020. Tính
đến cuối năm 2015, con số này mới chỉ dừng lại ở mức 8%./.
Theo TTXVN