Chủ Nhật, 29/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 14/7/2016 8:48'(GMT+7)

Thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tổng kết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Bình Dương lấn thứ 5 khóa X

Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tổng kết Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh Bình Dương lấn thứ 5 khóa X

Trong 6 tháng cuối năm 2016, tỉnh Bình Dương tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân gắn với triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư để giải ngân tốt các nguồn vốn, đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng một số dự án còn tồn đọng, kéo dài và các dự án mới như đường tạo lực Mỹ Phước - Bàu Bàng, ĐT 743, mở rộng Quốc lộ 13; bố trí và điều chỉnh vốn đầu tư công cho những công trình trọng điểm...

Bình Dương tiếp tục triển khai các giải pháp để cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế, chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm hành chính công gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tốt thị trường hiện có, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng các thị trường tiềm năng...

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục chuyển biến tích cực, hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 70.068 tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,69 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước...

* Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ 4, khóa XV đã họp và cho ý kiến về việc nâng cao hiệu quả đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư nhằm tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu cho biết, toàn tỉnh đã cấp phép cho 497 dự án với tổng vốn đăng ký 101.259 tỷ đồng; trong đó có 285 dự án đã đi vào hoạt động, với tổng vốn 33.637 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực đầu tư nước ngoài có 88 dự án đầu tư trên địa bàn, tổng vốn đầu tư đăng ký là 2.620,76 triệu USD; đã thực hiện 849,326 triệu USD, chiếm 32,4%. Thừa Thiên - Huế hiện đứng thứ 25 toàn quốc, đứng thứ 6/13 tỉnh của miền Trung - Tây Nguyên về thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy vậy, toàn tỉnh hiện vẫn còn 40% dự án chậm tiến độ. Nhiều dự án có quy mô nhỏ, hàm lượng công nghệ chưa cao.

Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế xác định các nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới là: tập trung rà soát lại các dự án đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà đầu tư chiến lược như Bitexco, Vingroup, Bayan tree...; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư; ban hành danh mục các dự án trọng điểm thu hút đầu tư trên các lĩnh vực của giai đoạn 2016-2020.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng đồng bộ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ kêu gọi đầu tư; ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng các khu vực đang phát triển, hỗ trợ các dự án lớn hoặc chuỗi dự án có các sản phẩm cạnh tranh như: Khu công nghiệp phụ trợ dệt may, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Vườn quốc gia Bạch Mã. Đối với các thủ tục đầu tư, tỉnh thực hiện giao dịch "một cửa" và "một cửa liên thông", kịp thời giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư, đất đai, phục vụ tối đa nhu cầu các nhà đầu tư trên địa bàn.

Tại hội nghị, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế tập trung thảo luận và cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016; về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

* Tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết trong 6 tháng đầu năm và xây dựng chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2016 tổ chức n gày 13/7, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón yêu cầu các ngành, các cấp tập trung thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2016, trong đó chú ý các chỉ tiêu giảm hoặc có tiến độ thực hiện thấp như tăng trưởng GRDP, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp-thủy sản, huy động vốn đầu tư phát triển và xây dựng xã nông thôn mới.

Tỉnh ủy Vĩnh Long xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong 6 tháng cuối năm là: Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó quan tâm nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như cánh đồng lớn sản xuất lúa, màu, trồng bưởi da xanh, cam sành, chăn nuôi trang trại an toàn sinh học… Tỉnh rà soát, điều chỉnh lại các quy hoạch, nhất là quy hoạch về thủy lợi để tập trung đầu tư thực hiện các công trình cấp thiết phòng chống hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất. Vĩnh Long tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt thị trường nội địa; đẩy mạnh thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh Vĩnh Long đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án và giải ngân các nguồn vốn đầu tư; phấn đấu có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí trở lên. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đánh giá, phân loại chính xác hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều để hỗ trợ thoát nghèo bền vững, hạn chế phát sinh hộ nghèo mới, phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo đa chiều.

* Trong 3 ngày 11 - 13/7, HĐND tỉnh Tuyên Quang khóa XVIII đã tiến hành kỳ họp thứ 2 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016.

Theo đó, các giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2016 được tỉnh Tuyên Quang xác định như: đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút những dự án đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tích cực huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng các khu, điểm du lịch theo quy hoạch; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Bên cạnh đó, tỉnh Tuyên Quang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh thực hiện các chương trình lao động, việc làm, chính sách xã hội và giảm nghèo bền vững; quan tâm thực hiện tốt các chính sách, chương trình về công tác dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội…

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu năm 2016, tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 8%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 32 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách đạt hơn 1.473 tỷ đồng; thu hút hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu 1.226 tỷ đồng; tạo việc làm mới cho 19.000 lao động; có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trồng mới 10.150 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng đạt trên 60%...

Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua một số Nghị quyết như: Chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản; quy định mức hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng; biên chế công chức và chỉ tiêu hợp đồng lao động trong các cơ quan tổ chức hành chính nhà nước của tỉnh Tuyên Quang năm 2016…/.

TG
tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất