Sau 1 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang một số thị trường CPTPP đã đạt mức tăng trưởng tốt, cho thấy bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường.
Sau một năm có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho 11 nước tham gia ký kết. Riêng với Việt Nam, việc xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP đã đạt mức tăng trưởng tốt, cho thấy bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội từ CPTPP.
ĐÒN BẨY CHO TĂNG TRƯỞNG
Nhìn lại một năm sau khi CPTPP có hiệu lực, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP đã và đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng của các nước đối tác.
Tất nhiên, cùng với các cơ hội đặt ra thì việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) này cũng đặt ra không ít thách thức đòi hỏi những chiến lược, biện pháp cụ thể để vượt qua, nhất là trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên thế giới ngày càng gia tăng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ, dù mới triển khai được một năm, song Hiệp định CPTPP đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường của các thành viên đã thực thi CPTPP có tốc độ tăng trưởng so với các năm trước. Xuất khẩu tập trung vào các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; thủy sản, dệt, may.
Đặc biệt, các thị trường mới trong CPTPP mà lần đầu tiên có FTA với Việt Nam là Canada và Mexico có mức tăng trưởng ở mức 2 con số ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.
Xét trên bình diện chung, nếu tổng xuất siêu của Việt Nam sang tất cả thị trường trong năm 2019 đạt xấp xỉ 10 tỷ USD thì riêng xuất siêu sang các nước CPTPP đã đạt gần 4 tỷ USD, chiếm 40%.
Điều này cho thấy, lợi ích đáng kể của Hiệp định CPTPP trong quá trình đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho các hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào sân chơi của các FTA thế hệ mới, song hành cùng các lợi ích sẽ đi liền với các thách thức đáng kể.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra, sự chủ động trong vấn đề thực thi và thay đổi tư duy quản lý đã có bước cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được các đòi hỏi của giai đoạn hiện nay. Hơn nữa, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực lực dành cho hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn hạn chế.
Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành vẫn chưa thực sự chủ động quan tâm đến các cơ hội mà Hiệp định CPTPP có thể mang lại cho doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua những địa phương đã có ban hành Kế hoạch hành động nhưng không đề ra nhiệm vụ chi tiết với mốc thời gian cụ thể cho việc thực hiện; chưa có nhiều hoạt động nhằm phổ biến, tuyên truyền cho các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, cộng đồng doanh nghiệp.
Ngược lại, các hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương được thực hiện tốt, song lại có trường hợp doanh nghiệp được mời tham dự chưa nhiệt tình tham gia. Không những thế, năng lực hấp thụ các FTA nói chung và Hiệp định CPTPP nói riêng của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, cần được cải thiện hơn ở trình độ quản lý, công nghệ và các kỹ năng cần thiết khác.
Đáng lưu ý, năng lực cạnh tranh ở một số ngành còn chưa được cải thiện, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành để tăng năng lực cạnh tranh chưa cao.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), CPTPP sau 1 năm có hiệu lực, doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để thâm nhập những thị trường mới mà trước đó chưa tiếp cận được. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu chưa toàn diện và chỉ tập trung ở một số thị trường.
Trong năm 2019, với kết quả xuất khẩu trên 260 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD đều có dấu ấn từ việc CPTPP đi vào thực thi đã ít nhiều tạo ra những thay đổi trong thương mại, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực này.
Đặc biệt, xuất khẩu sang các nước thành viên của CPTPP là Canada đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2% so với năm trước; sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%; xuất sang Chi Lê tăng 20,5%, đạt gần 1 tỷ USD; sang Peru tăng tới 40%, đạt 350 triệu USD.
Tuy nhiên, có thị trường tăng rất ít như Singapore chỉ tăng 1,1%, đạt 3,231 tỷ USD. Thậm chí, xuất khẩu sang một số thị trường còn giảm, như Australia giảm 12% so với năm trước, đạt 3,523 tỷ USD; Malaysia giảm 3%, đạt 3,376 tỷ USD.
Dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ… là những ngành hàng luôn được đánh giá có khả năng tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, nhờ hưởng ưu đãi thuế quan khi CPTPP đi vào thực thi, nhưng trên thực tế lại không như vậy.
CAM KẾT ĐỒNG HÀNH
Theo khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 8.600 doanh nghiệp về sự quan tâm đến với CPTPP thì có tới 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP. Khảo sát này cũng chỉ ra khó khăn, cản trở lớn nhất để tận dụng CPTPP như: 84% doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; 81,48% doanh nghiệp thấy bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan nhà nước...
Không những vậy, đối với từng ngành hàng cũng có những cản trở riêng khiến doanh nghiệp trong nước chưa thể tiếp cận được hết cơ hội vàng từ Hiệp định này mang lại.
Chẳng hạn như tại báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2019 kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt mức 39 tỷ USD. Nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia thương mại cũng như các doanh nghiệp thì con số này vẫn chưa phải là đích đến mà toàn ngành đặt ra.
Sở dĩ con số xuất khẩu chưa đạt được kỳ vọng là do đặc thù của ngành dệt may vẫn phải nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu quá lớn trong khi quy hoạch vùng vẫn còn bỏ ngỏ.
Trong khi đó, nếu muốn xuất khẩu vào các thị trường tham gia CPTPP phải chứng minh được xuất xứ từ sợi trở đi đã đánh trúng vào điểm nghẽn của ngành bởi hàng năm phải nhập gần 99% bông, 80% vải...Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đưa ra con số năm 2019, ngành dệt may đã chi 13,3 tỷ USD nhập khẩu vải, tăng 4%; xơ sợi dệt các loại 2,4 tỷ USD, tương đương năm 2018; nhập khẩu bông 2,567 tỷ USD, bằng 85% so với 2018.
Nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa thách thức từ Hiệp định CPTPP, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc đôn đốc, điều phối các Bộ, ngành triển khai đầy đủ và đúng thời hạn các hoạt động đã đề ra trong Kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ và của từng Bộ, ngành, địa phương.
Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung và các cam kết của Hiệp định CPTPP dưới nhiều hình thức, tập trung sâu hơn về nội dung, mức độ và phạm vi cam kết; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin theo từng lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Hiện tại, trong khuôn khổ hợp tác của Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đang làm việc với Đại sứ quán Australia và Ngân hàng Thế giới nhằm xây dựng Cổng thông tin điện tử về các Hiệp định thương mại tự do (FTA Portal).
Đây sẽ là một cổng thông tin điện tử chính thức từ phía Bộ Công Thương để cung cấp thông tin về các FTA mà trước mắt là Hiệp định CPTPP một cách chính thống, hiệu quả và kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cổng thông tin này sẽ là cửa ngõ toàn diện hướng dẫn doanh nghiệp và người dân tận dụng tối đa cơ hội do các FTA mang lại trên cơ sở công cụ tra cứu, hướng dẫn tiện ích cho người dùng.
Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới với mục tiêu nhanh chóng vận hành Cổng thông tin điện tử về FTA trên thực tiễn. Ngoài ra, Bộ Công Thương còn chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng các văn bản pháp luật cần thiết để thực thi Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện lộ trình và triển khai xây dựng, hoàn thiện các biện pháp kỹ thuật (tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, vệ sinh an toàn thực phẩm) phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.
Đặc biệt, Bộ cũng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam, sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam./.
Theo TTXVN