Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 27/12/2019 14:14'(GMT+7)

Năm 2019 kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỷ USD

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành Công Thương. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.

Tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 27/12, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 12 ước đạt 516,96 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ trường Trần Tuấn Anh cho rằng, xuất nhập khẩu năm 2020 đang đối mặt với nhiều khó khăn như các mặt hàng nông, thủy sản khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước...

Do đó,  để thúc đẩy xuất nhập khẩu thời gian tới, cần thực hiện nhiều giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, khơi thông thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát biến động của tình hình thế giới, đặc biệt là diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa và thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa...

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam đạt 263,45 tỷ USD, tăng hơn 8% so với 2018, hoàn thành vượt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (tăng 7 - 8%). Lĩnh vực nhập khẩu được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 4 liên tiếp. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Nhờ đó, thặng dư thương mại năm 2019 đạt khoảng 9,94 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong bối cảnh giảm sút tổng cầu, bảo hộ mậu dịch gia tăng, việc Việt Nam xuất siêu năm thứ 4 liên tiếp giúp dự trữ ngoại hối duy trì mức cao, ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; đến năm 2019 có 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các FTA. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc và nâng cao được khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Australia...

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khu vực đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: ASEAN (tăng 2%), Hàn Quốc (tăng 8,3%), Ấn Độ (tăng 2,1%), New Zealand (tăng 9,7%). Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 46,4 tỷ USD); EU (xuất siêu 26,9 tỷ USD). Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa đạt 3,86 tỷ USD, tăng 28,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,84 tỷ USD, tăng 26,8%).

Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối doanh nghiệp FDI.

Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu đã đạt 82,1 tỷ, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, khâu kiểm soát nhập khẩu tốt. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 7,2%.

Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD) góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế. /.

Theo Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất