Kể từ tháng 9/2014, chính quyền U-crai-na tiến hành xây dựng bức tường biên giới dài gần 2000km với Nga nhưng đến nay, công việc mới hoàn thành được một phần rất nhỏ do thiếu kinh phí. Mặc dù vậy, phía Ki-ép khẳng định vẫn tiếp tục dự án đầy tham vọng này. Và khi mỗi mét tường được dựng lên đồng nghĩa với việc hố sâu ngăn cách giữa Nga và U-crai-na ngày một nới rộng.
Theo dự án “Bức tường”, U-crai-na sẽ đào khoảng 1.500km hào và lối đi, hơn 8000 chiến hào cho các phương tiện, 4000 hầm trú ẩn và xây dựng 60km hàng rào “kháng nổ” dọc đường biên giới giữa Nga và U-crai-na. Trong giai đoạn đầu, dự án sẽ được triển khai ở Chéc-ni-gốp, Xu-mi, Khắc-cốp và phía Bắc khu vực Lu-gan-xcơ.
Các công đoạn kỹ thuật của kế hoạch này bắt đầu với việc đào hệ thống công sự rộng 4m và sâu 2m, đồng thời trang bị hệ thống điện tử trong đó. Đường biên giới trên biển cũng đang được lên kế hoạch để giám sát bằng hệ thống điện tử. Dự án dự định thực hiện trong vòng 3 năm với tổng kinh phí lên tới 100 triệu USD.
Theo Thủ tướng U-crai-na A.Y-át-xê-ni-úc (Arseniy Yatsenyuk), "kiến trúc sư trưởng" công trình này, sở dĩ Ki-ép phải có hành động "đi trước một bước" vì học thuyết quân sự mới của Nga dự kiến sẽ được điều chỉnh vào cuối năm 2014. Học thuyết được điều chỉnh này nhằm đáp lại sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu, các vấn đề về hệ thống phòng thủ tên lửa và cuộc khủng hoảng chính trị ở U-crai-na. Thêm vào đó, kiểm soát chặt chẽ biên giới U-crai-na và Nga là một bước quan trọng tiến tới thiết lập một chế độ miễn thị thực giữa U-crai-na và EU, đồng thời sẽ tăng tốc độ hội nhập của nước này vào NATO. “Nếu một nhà nước không kiểm soát nổi biên giới của mình thì không thể là thành viên NATO được”, Thủ tướng A.Y-át-xê-ni-úc khẳng định.
Trong khi đó, phía Nga khẳng định sẽ không xây bức tường biên giới với U-crai-na. Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về xác định và phân giới đường biên của Nga và các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), ông I-go Brát-chi-cốp (Igor Bratchikov) cho biết, giữa hai nước không có vấn đề về biên giới bởi các thỏa thuận liên quan đều đã được ký kết và đường biên được phân định hoàn toàn rõ ràng. "Kế hoạch xây dựng một bức tường ở biên giới với Nga của Thủ tướng U-crai-na là vô cùng mạo hiểm đối với việc khôi phục mối quan hệ bình thường giữa Mát-xcơ-va và Ki-ép”, Chánh văn phòng Tổng thống Nga, ông Xéc-gây I-va-nốp (Sergei Ivanov) nhận định.
Tuy nhiên, để hoàn thành dự án này còn là vấn đề hóc búa đối với U-crai-na khi mà bài toán “thiếu ngân sách” đang đè nặng lên vai Chính phủ Ki-ép. Theo ước tính ban đầu, tổng số vốn đầu tư cho dự án “Bức tường” vào khoảng 100 triệu USD, song các chuyên gia dự tính con số này sẽ đội lên gấp hàng chục lần. Trong bối cảnh nền kinh tế U-crai-na đang kiệt quệ sau một thời gian dài khủng hoảng chính trị và xung đột, việc đặt ra thời hạn 3 năm để hoàn thành dự án đang trở nên quá sức đối với chính quyền Ki-ép.
Dẫn lời ông Y.Bi-ri-u-cốp (Yuri Biryukov), Cố vấn Tổng thống U-crai-na, Đài Tiếng nói nước Nga ngày 21/11 cho biết, do không có đủ ngân sách để thực hiện dự án xây dựng bức tường biên giới với Nga nên bức tường được thiết kế khá thô sơ và không đúng như dự kiến ban đầu. “Trên thực tế có thể xây dựng bất cứ thứ gì song U-crai-na không đủ tiền. Sẽ cần nhiều tiền để đầu tư rất lớn cho việc xây dựng tất cả tuyến đường biên ấy, nhưng chính quyền Ki-ép không từ bỏ dự án này", ông Y.Bi-ri-u-cốp khẳng định.
U-crai-na có 2.295km đường biên giới với Nga. Tuy nhiên, đường biên giới này đã có thay đổi kể từ giữa tháng 3/2014, sau sự kiện Crưm sáp nhập vào Nga. Điều này đã tạo ra một khoảng cách khá lớn giữa Nga với Mỹ và các nước phương Tây. Chính sự chia rẽ đã dẫn đến bế tắc chính trị nghiêm trọng khiến không ít người lo ngại về việc "bóng ma" Chiến tranh lạnh quay trở lại./.
Bình Nguyên (QĐND)