Thứ Năm, 10/10/2024
Đời sống
Chủ Nhật, 13/6/2010 11:51'(GMT+7)

Bức xúc của cử tri về thiếu điện: Khắc phục là ưu tiên của Chính phủ

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức lại ngành điện

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức lại ngành điện

Thay mặt Chính phủ và Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội sáng 12/6, "chốt" lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7.

Thiếu điện, trách nhiệm do đâu?

Bức xúc của cử tri về tình trạng cắt điện phổ biến và trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân đã được một số đại biểu Quốc hội phản ánh tại nghị trường Quốc hội.

 Trong số đó, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) chất vấn, tại sao chúng ta có kịch bản cho biến đổi khí hậu mà không có kịch bản cho việc cắt điện, khi thiếu ngành điện lại đổ cho thời tiết, trong khi ngành điện “một mình một chợ”, việc tiết giảm điện là điều trong tầm tay?

Trả lời các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, những năm qua ngành điện đã có những nỗ lực cao, tăng trưởng bình quân từ 13-14%/năm, tăng trưởng như vậy là cao so với nhiều nước, các nước phát triển tăng trưởng GDP 1% thì tăng trưởng điện cũng chỉ 1%, nhưng ta tăng trưởng đến 13% mà vẫn thiếu.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân chính. Trong đó có việc chậm đổi mới trong đầu tư phát triển ngành điện cũng như công tác quản lý, đổi mới thiết bị trong tiêu dùng và sản xuất, thiếu nước cho thủy điện về mùa khô... Mặt khác, còn có nguyên nhân từ tiêu hao của chính ngành điện.

Bên cạnh đó, ý thức sử dụng điện của người dân chưa cao, việc sử dụng thiết bị của người dân còn lạc hậu. “Có gia đình sử dụng điện làm ấm hồ bơi, chi hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng”, Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng.

“Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức lại ngành điện, từ việc tăng nguồn lực đầu tư, phân phối đến bán điện và từng bước thị trường hóa ngành điện. Đẩy mạnh chính sách tiết kiệm có hiệu quả với phương châm vừa đầu tư thêm, vừa tiết kiệm, vừa đổi mới công nghệ”, Phó Thủ tướng cho biết.

Nhìn nhận trách nhiệm quản lý để xảy ra tình trạng thiếu điện, Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra có trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và trực tiếp nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đại biểu Ngô Văn Minh chất vấn: Đâu là nguyên nhân của tình trạng thiếu điện?

“Thủ tướng cũng đã liên tục kiểm điểm vấn đề này để tìm biện pháp, để xem vướng về thể chế, đấu thầu hay giải phóng mặt bằng để tìm cách tháo gỡ và không có chuyện nuông chiều ngành điện”, Phó Thủ tướng  cho hay.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho biết, đây là một trong những ưu tiên của Chính phủ cần giải quyết, bởi đây là một trong ba “điểm ” mà Chính phủ sẽ sớm khắc phục là “nhập khẩu tăng, giá và lãi suất tăng trong khi giải quyết thiếu điện lại chậm”.

“Từ nay đến cuối năm, Chính phủ, Bộ Công Thương, ngành điện xác định khắc phục tình trạng thiếu điện là nhiệm vụ trọng tâm”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Thị Loan: Tại sao tiến độ cổ phần hóa lại chậm?

Cổ phần hóa chậm là để bán cổ phần khi có giá hơn

Về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) chất vấn, tại sao tiến độ lại chậm so với quy định, hướng giải quyết như thế nào?

Phó Thủ tướng giải đáp, Chính phủ cân nhắc thận trọng về tiến trình cổ phần hoá các doanh nghiệp. Từ năm 2008 cho đến nay, kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, việc tìm đối tác chiến lược để mua cổ phần là điều phải cân nhắc kỹ. Thực tế về tình hình kinh tế trong thời gian qua đã khiến cho việc cổ phần hóa không đúng như chúng ta đã định. Vì vậy, từ nay đến ngày 1/7/2010, chưa thể thực hiện xong việc cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang tiếp tục cổ phần hoá các doanh nghiệp và có thể điều chỉnh tiến độ thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi.

“Cổ phần hóa là chủ trương đúng, tuy nhiên có chậm so với kế hoạch, nhưng là để bán cổ phần khi có giá hơn. Bây giờ đẩy nhanh cổ phần hóa là phù hợp với tiến trình hồi phục của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng cho biết.

Đề cập đến chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan là tại sao không đưa số tiền cổ phần hóa vào ngân sách nhà nước mà để lại cho doanh nghiệp? Phó Thủ tướng Thường trực giải trình, đây là việc đầu tư tăng vốn cho các công ty hoạt động theo định hướng hoạt động của bộ, ngành hay Hội đồng quản trị công ty đã đưa ra, làm cho doanh nghiệp của ta ngày càng lớn lên, đóng góp nhiều cho GDP, thu hút được nhiều lao động.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi (đại biểu Cà Mau) chất vấn: Có tình trạng phân cấp dẫn đến phân tán hay không? Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, phân cấp là tăng cường hiệu lực, hiệu quả nền hành chính quốc gia. Tuy nhiên, để phân cấp hiệu quả phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp cùng với tiếp tục hoàn thiện thể chế./.
 
(Cổng TTĐTCP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất