Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Bảy, 26/11/2011 21:26'(GMT+7)

Bừng sáng sức sống làng Xoan

Nhân lên niềm vui cùng Xoan

Theo con đường ngoằn ngoèo miền trung du, chúng tôi tới ngôi nhà giản dị của nghệ nhân Nguyễn Văn Đọc, phường xoan Thét, khu 8 xã Kim Đức, TP Việt Trì. Ông phấn khởi nói: Biết tin hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”, người dân chúng tôi vui lắm. Nhiều nghệ nhân trong xã đi làm đồng khi nghe được tin này cũng bỏ cả việc để về vui chung. Đêm hôm qua, từ đầu làng đến cuối làng, nhiều các em nhỏ đã thi nhau hát về xoan. Những câu xoan như thôi thúc chúng tôi “máu” truyền dạy những làn điệu xoan để các cháu có thêm kiến thức về xoan và hát xoan ngày càng thành thục hơn. Đây cũng là cách duy nhất để bảo tồn xoan không bị mai một.

Tại trường THCS Kim Đức, thầy Đồng Tiến Đức, hiệu Trưởng trường cho biết: Nghe được tin vui này, trường đã tổ chức hẳn một giờ đồng hồ cho các em hát tại sân trường. Sau khi vào lớp học, các cô giáo cũng dành một khoảng thời gian để em hát thêm nhằm nhân lên niềm vui đón nhận một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại mà Kim Đức là 1 trong bốn cái nôi gốc của các làn điệu xoan. Sau đây, trường sẽ cố gắng giành nhiều thời gian hơn cho hát xoan, qua đó nhằm giúp học sinh hiểu được giá trị, ý nghĩa và nguồn gốc của hát Xoan Phú Thọ, bởi tương lai của hát Xoan là ở các em. “Đấy mới chỉ là việc giáo dục phần ngọn, còn phần gốc thì rất lâu dài”- thầy Đức chia sẻ.

Em Nguyễn Hồng Nhung học lớp 9A bộc bạch: Cháu học xoan của ông, bà được 2 năm nay, đến giờ cháu đã thuộc cả 13 quả cách của Xoan cổ. Nay hát xoan được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại”, cháu vui mừng không sao tả siết. Cháu sẽ tiếp tục hát nhiều làn điệu Xoan để bảo tồn di sản văn hóa này không bị mất đi…

Còn bà Nguyễn Thị Lịch, trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu chia sẻ: Cả làng chúng tôi vui như được mùa lúa, các nghệ nhân và các cháu “mê” hát Xoan kéo nhau đến nhà tôi đông như trẩy hội, vui lắm. Mong muốn được UNESCO công nhận hát Xoan là di sản thế giới từ lâu, nay đã trở thành hiện thực. Đây sẽ là động lực để cho các nghệ nhân chúng tôi yên tâm truyền dạy cho thế hệ trẻ, để hát Xoan không bị mai một mà tiếp tục phát triển mạnh trong cộng đồng dân cư…

Việc Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại” là niềm vui, niềm tự hào không chỉ ở các phường xoan ở Phú Thọ mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong tương lai đang là nỗi trăn trở của không ít những nghệ nhân, những ông, bà “trùm” xoan ở những phường xoan này.

Bà Nguyễn Thị Lịch cho biết, phường xoan An Thái có tới 43 người, nhưng cả chục năm rồi kể từ khi tái lập phường, khoản đầu tư “lớn nhất” đối với phường xoan An Thái, cũng là khoản đầu tư duy nhất cho hát xoan Phú Thọ là 19 bộ quần áo cho các đào, kép. Với 19 bộ quần áo ấy, mỗi khi phường xoan biểu diễn, 43 người (cả già trẻ gái trai) chia nhau tuần tự, người này mặc ra biểu diễn xong thì vào cánh gà thay ra cho người khác mặc. Còn nghệ nhân Nguyễn Ngọc Bảo, phường xoan Thét, xã Kim Đức, năm nay 80 tuổi, trăn trở, nguồn kinh phí trực tiếp cho công tác truyền dạy và biểu diễn hát Xoan cũng chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Mặt khác thanh thiếu niên chủ yếu đi làm, đi học, việc tập hợp họ vào phường hát rất khó bởi chế độ ưu đãi gần như không có. Học sinh thường chỉ tập hát được vào các dịp nghỉ hè, lứa tuổi thanh niên có nhiều trường hợp mặc dù rất yêu thích hát Xoan nhưng vì bận mưu sinh cho nên đã không thể tham gia…

Đã có biện pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật độc đáo này

Tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều biện pháp để gìn giữ và phát huy nghệ thuật Hát Xoan trong thời hiện đại, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để tạo lực đẩy cho Hát Xoan phát triển lâu dài và mãi mãi.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan, trước mắt tỉnh duy trì thường xuyên tổ chức hoạt động của 4 phường Xoan gốc: Kim Đới, Thét, Phù Đức và An Thái (thuộc xã Kim Đức và xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì); tổ chức các cuộc liên hoan, giao lưu, hội thi, hội diễn để giới thiệu Hát Xoan tới đông đảo quần chúng nhân dân; lập các dự án phát triển du lịch, gắn Hát Xoan với các tour, tuyến du lịch về với cội nguồn đất Tổ Hùng Vương. Cùng với đó, giới thiệu quảng bá Hát Xoan bằng nhiều hình thức: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, in ấn tài liệu, trưng bày giới thiệu Di sản Hát Xoan tại Bảo tàng Hùng Vương; mở chuyên mục dạy hát dân ca Xoan trên sóng phát thanh truyền hình; tổ chức các lớp truyền dạy Hát Xoan đưa Hát Xoan vào trường học trong chương trình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng Đề án bảo tồn di sản Hát Xoan; thành lập Quỹ hỗ trợ tài chính, kinh phí để truyền dạy, luyện tập, xuất bản các ấn phẩm văn hóa… Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là biện pháp để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản của địa phương, góp phần làm cho câu Xoan không chỉ bừng sáng trong lòng mỗi người dân nước Việt mà còn của bạn bè khắp năm châu./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất