Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 14/4/2013 8:54'(GMT+7)

Bước chuyển mình ở mảnh đất địa đầu Hà Giang

Công viên địa chất cao nguyên đá: cơ hội quảng bá hình ảnh Hà Giang

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam sau khi trực tiếp trao bằng công nhận Di sản công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho Hà Giang đã phát biểu: “ Hà Giang có rất nhiều tiềm năng nhưng để Hà Giang thực sự phát triển đúng với tiềm năng vốn có, thì chính quyền tỉnh cần thay đổi cách nghĩ, cách làm đầu tư có trọng tâm để có thể phát huy tối đa nguồn nội lực sẵn có, cùng với sự đồng hành của nhà nước, tôi hy vọng Hà Giang sẽ phát triển và công viên địa chất toàn cầu là hình ảnh sinh động để quảng bá di sản Hà Giang ra thế giới”.

Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc
Hà Giang nguyện chung tay góp sức giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản và những truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của người dân trong tỉnh; đồng thời khai thác những tiềm năng di sản phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc khu vực 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có độ cao trung bình từ 1.400 - 1.600m, với những giá trị địa chất nổi bật như: cảnh quan, lịch sử phát triển địa chất, giá trị cổ sinh địa tầng, hang động… thuộc 139 điểm di sản địa chất, trong đó có 11 điểm di sản tầm quốc tế. Nơi đây có 17 dân tộc anh em đang sinh sống.

Việc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam công nhận di sản Cao nguyên đá là hướng đi đúng đúng đắn góp phần cho sự phát triển kinh tế và bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa, phục vụ tiến trình xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế -xã hội bền vững chính là chiến lược phát triển toàn diện.

Đánh giá của chuyên gia UNESCO - Liên Hợp quốc, trong lộ trình xây dựng Cao nguyên đá Đồng Văn thành Công viên Địa chất toàn cầu, đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, nhất là về các giá trị di sản địa chất, địa mạo. Tại đây có nhiều di sản về lịch sử tiến hóa của trái đất, với các di sản kiến tạo và địa mạo, các di sản cổ sinh, địa tầng và cổ môi trường... Mặt trượt trong đá vôi ở Quản Bạ là dấu ấn thể hiện rõ nét nhất hoạt động đứt gẫy làm nên thung lũng huyện lị Tam Sơn. Các điểm đá vôi vân đỏ, đá vôi xám đen, đá vôi trùng thoi ở khu vực Đồng Văn... là những dấu tích minh chứng vùng cao nguyên này được hình thành từ 260 - 350 triệu năm về trước. Những hoá thạch Tay cuộn, hoá thạch Bọ Ba Thuỳ ở Ma Lé và Lũng Cú có tuổi khoảng từ 400 - 500 triệu năm cũng đã được tìm thấy trên cao nguyên Đồng Văn...
Như lời của Bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, “Những giá trị độc đáo mà di sản cao nguyên đá – công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn – Hà Giang gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, công viên địa chất cao nguyên đá sẽ trở thành một trong những hình ảnh nổi bật nhất của Việt Nam, cùng với Vịnh Hạ Long, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới”. Với di sản này đây là một lợi thế chiến lược trong việc quảng bá hình ảnh Hà Giang tới toàn thế giới cả về văn hóa và hội nhập kinh tế.

Những lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế
 

Thực tế cũng chỉ có cao nguyên đá nằm trên địa bàn 4 huyện vùng cao phía bắc tỉnh Hà Giang, gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ và Yên Minh là ít được thiên nhiên ưu đãi nhất. Nhìn tổng thể, Hà Giang có diện tích rừng tương đối lớn, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 262.957 ha, với nhiều sản vật quý hiếm: động vật có các loài gấu ngựa, sơn dương, voọc bạc má, gà lôi, đại bàng..; các loại gỗ: ngọc am, pơ mu, lát hoa, lát chun, đinh, nghiến, trò chỉ, thông đá...; các cây dược liệu như sa nhân, thảo quả, quế, huyền sâm, đỗ trọng... Rừng Hà Giang không những giữ vai trò bảo vệ môi trường sinh thái đầu nguồn cho vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn cung cấp những nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, xây dựng, y tế và sẽ là những điểm du lịch sinh thái lý tưởng của tỉnh.


 Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang cho hay: Tiềm năng tài nguyên khoáng sản của Hà Giang cũng hết sức phong phú, bước đầu đã phát hiện được 28 loại khoáng sản khác nhau. Đáng chú ý là có những mỏ có trữ lượng lớn trên một triệu tấn với hàm lượng khoáng chất cao như: ăngtimon ở các mỏ: Mậu Duệ, Bó Mới (Yên minh); sắt ở Tùng Bá, Bắc Mê; chì - kẽm ở Na Sơn, Tả Pan, Bằng Lang, Cao Mã Pờ. Ngoài ra, còn có nhiều khoáng sản khác như: pirít, thiếc, chì, đồng, mănggan, vàng sa khoáng, đá quý, cao lanh, nước khoáng, đất làm gạch, than non, than bùn...


Trong quy hoạch phát triển công nghiệp, Hà Giang xác định đầu tư đồng bộ, từ khai thác đến chế biến thành phẩm, luyện kim cho 4 loại khoáng sản chủ yếu: sắt, chì - kẽm, mangan và angtimon ở các mỏ Tùng Bá, Ao Xanh... với quy mô 1,5 triệu tấn/năm. Nâng công xuất khai thác tuyển chì - kẽm mỗi năm đạt: 12.000 đến 15.000 tấn quặng tinh. Hiện nay, tỉnh có 11 nhà máy đã đi vào hoạt động ở các lĩnh vực: chế biến chè xanh xuất khẩu, lắp ráp ô tô, sản xuất bột giấy. Từ khi triển khai luật Đầu tư, luật khoáng sản mới, Hà Giang đã tiếp nhận "làn sóng" đầu tư mới với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp lớn. Các nhà máy như: Angtimon Mậu Duệ (huyện Yên Minh) công suất đạt gần 1 nghìn tấn/năm; tuyển luyện chì - kẽm Na Sơn (huyện Vị Xuyên) công suất 800 tấn/ngày; Tả Pan xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) 300 tấn/ngày... Theo quy hoạch khảo sát thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản, tỉnh có 56 mỏ và điểm mỏ được duyệt. Hiện nay có 21 điểm mỏ được Bộ Công thương, UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản.


Hà Giang chính là miền đất hứa cho các nhà đầu tư, tỉnh Hà Giang luôn rộng cửa đón chào các doanh nghiệp và nhà đầu tư, để cùng nhau xây dựng Hà Giang.

Mảnh đất "vàng" cho các nhà đầu tư thuỷ điện

         

Hà Giang đón tiếp rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến để tìm hiểu môi trường, đăng ký hoạt động kinh doanh. Hiện tại, tỉnh đã hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống thuỷ điện vừa và nhỏ giai đoạn 2005 - 2010 có xét đến năm 2015. Theo quy hoạch, có 68 đề án thuỷ điện đã được phê duyệt. Trong lĩnh vực này, Hà Giang xác định đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ điện sông Nho Quế 1,2,3 và sông Nhiệm với công suất khoảng 200 MW; hệ thống thuỷ điện sông Miện gồm: Thái An, Thuận Hoà, sông Miện 1; Sông Miện 5 với tổng công suất 140 MW... Tổng công suất lắp máy các công trình thuỷ điện đạt 450MW và đến năm 2020 là 700 MW. Theo đó, sản lượng điện sẽ tăng từ: 1,2 tỷ đến 1,5 tỷ kWh/năm, vào năm 2010 và lên 2,5 tỷ đến 3 tỷ kWh/năm vào năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp đạt bình quân: 800 tỷ đến 850 tỷ đồng/năm.

 Hà Giang có nhiều chính sách, chế độ ưu đãi để thu hút đầu tư như: dùng ngân sách địa phương để thực hiện việc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Các điểm dự án đầu tư nhỏ, lẻ hỗ trợ 50% kinh phí đền bù GPMB trên diện tích đất được giao để xây dựng nhà máy. Kinh phí đền bù làm đường giao thông, đường điện, từ trục chính đến hàng rào nhà máy, hỗ trợ tối đa không quá 30%. Đối với các dự án cơ sở hạ tầng nằm trong vùng nguyên liệu, gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu hàng hoá nông - lâm sản theo quy hoạch được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư theo từng địa bàn cụ thể.


Phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói

Bên cạnh các lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, về thu hút đầu tư, một điều không thể phủ nhận là Hà Giang có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch. Hà Giang còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa được khai thác, môi trường sinh thái trong lành và chứa đựng nhiều tiềm ẩn kỳ thú. Các rừng đá trập trùng, nhấp nhô ẩn hiện trong mây bạc, nhiều đỉnh núi cao trên 2.000 m như Pu Ta Kha, Tây Côn Lĩnh; nhiều hang động đầy bí ẩn như Tùng Bá, Lùng Má, (huyện Vị Xuyên), Tùng Vài (Quản Bạ), Hang Mây, Sảng Tủng (Đồng Văn); các danh thắng như núi Cô Tiên, Cổng Trời (Quản Bạ). Bên cạnh đó, Hà Giang có Cột cờ Lũng Cú được mệnh danh “nóc nhà của Tổ quốc”, có Phố cổ Đồng Văn huyền bí, có Chợ tình Khâu Vai nên thơ, có di tích nhà họ Vương... Ngay cả cao nguyên Đồng Văn hùng vĩ với những cổng trời quanh năm mây phủ cũng là một tiềm năng của ngành công nghiệp không khói...

Thành tựu nổi bật nhất của tỉnh Hà Giang trong 118 năm qua, đặc biệt là sau 18 năm tái lập tỉnh là tập trung xoá đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở đường giao thông đến huyện, xã và thôn, bản; đảm bảo cho 100% trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường... Bên cạnh đó, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống vẫn luôn được chú trọng và triển khai thường xuyên như là một nhiệm vụ thường trực của không chỉ những người có trách nhiệm ở địa phương. Phát triển du lịch tất nhiên phải dựa vào cái vốn là môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống, xác định dựa vào chứ không khai thác. Từ việc phát triển kinh tế nhờ du lịch, có thể bảo tồn môi trường sinh thái và văn hoá truyền thống của Hà Giang.


Theo như lời ông Hoàng Văn Kiên – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định: Hà Giang luôn xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn, bởi Hà Giang đã chọn cho mình một hướng đi chủ đạo, bên cạnh các hướng đi “hỗ trợ” nhưng không kém phần quan trọng là thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp địa phương. Những hướng đi bằng chính đôi chân của mình trong những năm tới Hà Giang sẽ thực sự phát triển toàn diện và bền vững./.

Trường Giang




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất