Kết quả có được này từ sự thay đổi tích cực trong công tác lãnh đạo điều hành của chính quyền TPHCM nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế hài hòa với chất lượng sống tốt hơn cho người dân.
Hướng nền hành chính công hiện đại
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác quản lý nhà nước trên địa bàn của chính quyền TPHCM đang có những chuyển bộ, thay đổi lớn theo hướng ngày càng khoa học, hiện đại hơn để thay cho cách thức quản lý thủ công ngày càng bộc lộ tính kém hiệu quả do không đáp ứng yêu cầu phát triển. Điều này có thể thấy khi thời gian qua TPHCM liên tục triển khai nhiều ứng dụng để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy công quyền. Hiệu quả của những cải cách này không đơn thuần chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước TP mà hướng đến xây dựng nền hành chính công hiện đại. Chỉ riêng việc chuyển hình thức gửi thư mời họp giữa UBND TP và các cơ quan nhà nước bằng giấy qua đường bưu điện sang hình thức gửi thư mời họp bằng email và tin nhắn điện thoại, theo tính toán đã tiết kiệm ngân sách mỗi năm hơn cả tỷ đồng.
Từng bước xây dựng chính quyền điện tử, bắt đầu từ ngày 1-7 tới đây, toàn bộ các sở ngành, quận huyện trên địa bàn TPHCM sẽ không còn sử dụng văn bản giấy để trao đổi công việc (trừ một số văn bản dạng đặc thù, văn bản mật). Thay vào đó, các cơ quan công quyền sẽ trao đổi thông tin trên mạng. TP cũng sẽ đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số. Điều này có nghĩa, văn bản trước khi phát hành chỉ cần ấn chữ ký số thì văn bản đó đã đến cơ quan nhận được ngay. Như vậy, không có dịch vụ chuyển fax nhanh nào có thể nhanh hơn được quy trình này!
Với số dân hơn 11 triệu, công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền TPHCM vừa phải giải quyết những vấn đề nóng phát sinh trong cuộc sống, đồng thời đòi hỏi phải thúc đẩy TP phát triển nhanh và bền vững. Trong khi đó, tình trạng trì trệ, thậm chí bỏ qua các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TPHCM là một thực tế đang diễn ra tại nhiều cơ quan, đơn vị nhà nước. Trăn trở nhiều về thực trạng này, mới đây UBND TPHCM xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống kết nối để giám sát tất cả nội dung chỉ đạo điều hành xuyên suốt của Thường trực UBND TP trong tất cả các lĩnh vực ở toàn bộ sở ngành, quận huyện. Chẳng hạn như khi UBND TP ban hành thông báo kết luận cuộc họp của lãnh đạo thành phố thì những nội dung này sẽ được nhập vào chương trình quản lý, nêu địa chỉ tiếp nhận rõ ràng tại sở ngành nào được phân công thực hiện nội dung gì, thời hạn cụ thể hoàn thành là bao lâu. Nhờ đó, lãnh đạo thành phố có thể giám sát chặt chẽ những công việc mình giao cho các sở ngành, quận huyện thực hiện. Có như vậy, địa chỉ trách nhiệm cũng sẽ rõ ràng hơn. Có thể nói, đây là một nỗ lực rất lớn của lãnh đạo thành phố trong vấn đề nâng cao năng lực hoạt động trong công tác chỉ đạo điều hành.
Mang lại sự tiện ích cho người dân
Nhìn lại những kết quả từ công tác quản lý điều hành của chính quyền TPHCM trong những năm gần đây, có lẽ mỗi người dân đều dễ dàng nhận thấy cơ hội về khởi nghiệp ngày càng lớn, chưa kể thời gian để hoàn thành những thủ tục về thuế, hải quan, đăng ký đất đai, giấy phép đăng ký kinh doanh… tại các cơ quan nhà nước từng bước được rút ngắn đáng kể giúp người dân và doanh nghiệp không phải tốn nhiều công sức như trước đây. Điển hình nhất là việc thí điểm rút ngắn quy trình cấp phép xây dựng tại Sở Xây dựng thành phố từ ngày 1-7-2017 thông qua bộ phận một cửa của Sở Xây dựng.
Ví dụ như người dân làm một việc gì thì hồ sơ phải qua nhiều đơn vị nhưng khi liên thông thì người dân chỉ sẽ làm tại một đơn vị duy nhất. Việc liên thông sẽ giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp cũng như mang lại sự tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là sự cải tiến trong nội bộ của cơ quan nhà nước: rút ngắn thời gian giải quyết, như hồ sơ của Sở Xây dựng rút ngắn 2/3 thời gian so với trước. Quy trình này thí điểm áp dụng từ giữa năm nay đến cuối năm và sau đó sẽ đánh giá lại để áp dụng rộng rãi ở các quận, huyện.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM, quy trình này gọi là quy trình mẫu của câu chuyện liên thông thí điểm đối với các loại hình hồ sơ khác sau này. Ở một khía cạnh nào đó có thể thấy, chính việc liên thông giải quyết thủ tục cho dân trên môi trường mạng sẽ hạn chế nhiều việc tương tác giữa cơ quan công quyền với người dân, doanh nghiệp, cũng đồng nghĩa với việc hạn chế nhũng nhiễu tiêu cực phát sinh, tiến đến một nền hành chính công khai, minh bạch.
Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì vai trò của cơ sở dữ liệu là rất quan trọng. Hệ thống cơ sở dữ liệu tốt và hoàn chỉnh sẽ giúp người dân và doanh nghiệp tham khảo tiện lợi, đưa ra những quyết định kinh doanh hiệu quả và nhanh chóng. Trước yêu cầu này, TPHCM đang thực hiện kế hoạch tập trung các cơ sở dữ liệu về trung tâm thành phố để thực hiện chia sẻ dùng chung theo các bước thực hiện gồm: tập hợp cơ sở dữ liệu hiện hữu về một đầu mối; các sở ngành phải xây dựng thêm các cơ sở dữ liệu khác để thành phố có nhiều cơ sở dữ liệu. Vấn đề đặt ra là các ngành cần phải tăng cường làm cơ sở dữ liệu ngành mình để sớm hoàn chỉnh một “hệ sinh thái dữ liệu mở”.
Nhìn chung, tất cả những cải tiến, thay đổi tích cực nói trên đều nhắm đến mục tiêu phát triển TPHCM trở thành “Thành phố thông minh” với đầy đủ những tiện ích dịch vụ công hiện đại đi kèm với hệ thống giao thông, y tế, giáo dục thông minh song hành với chất lượng môi trường sống xanh hơn, trong lành hơn.
Vân Anh/SGGP