Thứ Năm, 26/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 14/2/2014 16:32'(GMT+7)

Bước đi chiến lược của doanh nghiệp công nghệ thông tin

Ảnh minh họa: Lực Vũ/Vietnam+)

Ảnh minh họa: Lực Vũ/Vietnam+)


Không những thế, các doanh nghiệp này đã đặt ra mục tiêu mở rộng kinh doanh trong thời gian tới.

Bên cạnh khai thác các tiềm năng trong nước, các doanh nghiệp này còn vươn ra trường quốc tế với mục tiêu “toàn cầu hóa” là bước đi chiến lược.

Mở rộng đầu tư trong chiến lược “toàn cầu hóa”

Trong năm 2013, phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin đều có mức tăng trưởng khá tốt, khoảng 30% so với năm 2012. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn đạt mức doanh thu dự tính tăng gấp 2-3 lần.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) cho biết ngay trong tháng đầu năm 2014, các doanh nghiệp công nghệ thông tin thuộc HCA đã nhận được nhiều đơn hàng lớn.

Nhiều doanh nghiệp bây giờ đã không thể nhận thêm các đơn hàng mới do quá tải. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc đầu tư lĩnh vực công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng đang khá thành công.

Vị thế ngành công nghệ thông tin của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định.

Tập đoàn FPT được xem là một doanh nghiệp đầu tư hiệu quả ra nước ngoài. Hiện FPT đã có mặt tại 17 quốc gia trên thế giới và đang thực hiện làn sóng toàn cầu hóa lần thứ ba, với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD/ năm từ thị trường toàn cầu.

Để đạt được mục tiêu trên, FPT dự kiến mở rộng nguồn nhân lực từ 17.000 nhân viên hiện nay lên 100.000 nhân viên vào năm 2018.

Ngoài xuất khẩu phần mềm, FPT sẽ tập trung khai thác về tích hợp hệ thống, viễn thông, giáo dục… tại các thị trường nước ngoài theo hai hướng cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm cho các thị trường phát triển như Singapore, Malaysia, Nhật, Mỹ, châu Âu…; áp dụng chính sách giá cạnh tranh, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có và những giải pháp công nghệ thông tin đang phát triển mạnh tại thị trường trong nước để tập trung mở rộng hoạt động kinh doanh tại các thị trường có trình độ phát triển tương đương Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar.

Theo ông Hoàng Minh Châu, Giám đốc FPT khu vực Myanmar, việc đầu tư ra các nước có trình độ tương đương Việt Nam rất thuận lợi. Thị trường công nghệ thông tin ở đây còn rất nhiều tiềm năng để khai thác.

Các doanh nghiệp hiện đang nghiên cứu thị trường để đưa ra các dịch vụ phù hợp với nhu cầu xã hội. Theo ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu, ngoài việc giữ vững thế mạnh về tích hợp hệ thống, các doanh nghiệp cũng phải đi theo xu hướng vận hành công nghệ thông tin thế giới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp công nghệ thông tin cần xoáy sâu vào kinh doanh mảng dịch vụ, nhất là điện toán đám mây (Cloud).

Khách hàng hiện rất quan tâm đến dịch vụ Cloud ở các doanh nghiệp công nghệ thông tin vừa và nhỏ. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường công nghệ thông tin Việt Nam.

Với chi phí đầu tư thấp, dịch vụ Cloud lại đang thu được lợi nhuận rất tốt, phù hợp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư ít.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp công nghệ thông tin vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định chủ yếu xuất phát từ việc các đơn vị này ít chịu tác động của các những nhân tố khách quan như nguyên liệu đầu vào, năng lượng, lãi suất…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này đã kịp thời chuyển dịch, nắm bắt kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua khảo sát sơ bộ, trong năm 2013 đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng tốt.

Các đơn vị này đã có sự phát triển tương đối bền vững, dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trong năm 2014. Điều đó cho thấy lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam còn khá nhiều tiềm năng.

Khó khăn khai thác các tiềm năng trong nước

Theo nhiều các doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư ra nước ngoài hiện nay dễ hơn việc triển khai các dự án trong nước. Đây là điều bất hợp lý khi doanh nghiệp lại gặp khó khăn ngay “trên sân nhà.”

Ông Chu Tiến Dũng chia sẻ thị trường phần mềm trong nước đang rất nhiều tiềm năng. Xu hướng chung sẽ phát triển thị trường dịch vụ, đây là ưu tiên hàng đầu của khách hàng.

Thị trường dịch vụ công nghệ thông tin sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, nhưng để khai thác được thị trường trong nước lại rất khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ việc chúng ta không có quy hoạch đồng bộ các sản phẩm dịch vụ, khách hàng sử dụng nhiều “chuẩn” khác nhau, phương thức khác nhau, nên việc tiếp cận khách hàng rất khó.

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng cho biết cũng là xây dựng cổng thông tin điện tử, nhưng mỗi tỉnh, thành phố lại có những yêu cầu rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Do đó, để tiềm năng về công nghệ thông tin trong nước được khai thác tốt, cần phải có quy hoạch chuẩn để xác định được nhu cầu.

Hiện nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Phát triển Phần mềm Quang Trung đang xây dựng đề án quy hoạch trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2, đồng thời lập đề án về khu phần mềm Quang Trung-Đà Lạt để thúc đẩy ngành công nghệ thông tin thông tin trong nước phát triển.

Đây là những dự án nhằm thu hút các tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế đầu tư vào Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô để phát triển lĩnh vực đang còn nhiều tiềm năng này.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư lại đang gặp trở ngại, khi nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghệ thông tin không nhiều. Đơn cử, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Luxoft Việt Nam (đóng tại Công viên Phần mềm Quang Trung) là công ty duy nhất của Tập đoàn Luxoft đóng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Dù mục tiêu năm 2014, Luxoft Việt Nam sẽ tăng số nhân viên lên gấp đôi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, nhưng việc tuyển dụng những lập trình viên trình độ chuyên môn cao không hề đơn giản.

Ông Lã Mạnh Cường, Giám đốc Trách nhiệm hữu hạn Luxoft Việt Nam cho biết hiện nay, các doanh nghiệp đang thiếu thông tin chi tiết của ngành công nghệ thông tin, đặc biệt là nguồn nhân lực cho lĩnh vực này để có định hướng phát triển. Khách hàng nước ngoài khi muốn hợp tác đầu tư thường rất chú trọng đến nguồn nhân lực. Đây là một “điểm yếu” của chúng ta.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho rằng để phát triển ngành công nghệ thông tin bền vững, trước mắt phải tập trung cho giáo dục đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thực tế. Đây là việc rất cần thiết, vì các nước phát triển trên thế giới cũng luôn chú trọ đến yếu tố con người.

Thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị thúc đẩy quy hoạch để xây dựng Công viên Phần mềm Quang Trung 2. Nếu có được Công viên Phần mềm Quang Trung 2, đây sẽ là bước phát triển quan trọng cho thị trường phần mềm của thành phố cũng như quốc gia./.
 
Lực Vũ (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất