Sau một tháng diễn ra Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm về những sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), phiên tòa đã nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận xã hội, không chỉ vì tính chất nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các bị cáo mà còn bởi đây là phiên tòa được ghi nhận về những chuyển biến rõ nét trong thực hiện cải cách tư pháp suốt quá trình xét hỏi, tranh tụng.
Thu hẹp khoảng cách giữa các bên tham gia tố tụng
Về tổng thể, Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm đã diễn ra theo đúng tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Trong suốt quá trình xét hỏi, tranh tụng, Hội đồng xét xử đã quan tâm, chú ý lắng nghe lời khai của từng bị cáo trước tòa, tạo điều kiện cho các bị cáo, các luật sư và người liên quan được trình bày một cách đầy đủ, toàn diện những quan điểm cá nhân của họ, các bị cáo tự đưa ra các chứng cứ, phân tích hành vi nhằm gỡ tội cho mình.
Từ những lời khai này, Hội đồng xét xử đã tiến hành đối chất giữa các bị cáo với nhau, giữa bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan... nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Bởi mục đích chính của công tác xét xử là để chứng minh sự thật đã xảy ra, sau đó mới tính đến yếu tố trừng phạt, răn đe và phòng ngừa.
Dựa trên nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi bản án chưa có hiệu lực pháp luật, đồng thời để đảm bảo quyền con người theo Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách đúng mực, không áp đặt, tránh tạo không khí căng thẳng, ức chế cho các bị cáo và những người liên quan... Vì vậy, bản thân các bị cáo cũng rất tự nguyện, có tâm lý thoải mái khi khai báo, trình bày trước Tòa. Chính sự tôn trọng và chia sẻ này của Hội đồng xét xử đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Hội đồng xét xử và các bị cáo, tạo sự tự tin cho bị cáo khi đứng ra bào chữa cho mình.
Điều chỉnh trách nhiệm hình sự và dân sự cho các bị cáo
Sau phần xét hỏi và tranh tụng, căn cứ vào thực tiễn diễn biến xét xử vụ án, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã có hai lần điều chỉnh về cả trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự cho một số bị cáo.
Lần thứ nhất, bản cáo trạng số 35/CTr-VKSTC-V3 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ngày 19/7/2017 đã đề nghị Tòa án xem xét trách nhiệm dân sự của 34 bị cáo nguyên là Giám đốc các chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch của OceanBank cùng các cá nhân khác đã thực hiện việc nhận và chi tiền lãi ngoài, liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền hậu quả thiệt hại còn lại chưa thu hồi được.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc quá trình xét hỏi tại phiên tòa, ngày 14/9/2017, đại diện Viện Kiểm sát đã tiến hành luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử không buộc trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với bị cáo Nguyễn Trà My (nguyên Phó Giám đốc OceanBank Chi nhánh Thăng Long) và 34 bị cáo nguyên là Giám đốc các chi nhánh, Trưởng phòng giao dịch của OceanBank. Lý do của sự điều chỉnh miễn trách nhiệm dân sự này, theo đại diện Viện Kiểm sát phân tích, các bị cáo đều không được hưởng lợi, thực hiện theo sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm và lãnh đạo Hội Sở.
Lần thứ hai, sau khi tiến hành đối đáp với các luật sư, các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Viện Kiểm sát đã nhận thấy cần thiết phải điều chỉnh kịp thời về trách nhiệm hình sự đối với một số bị cáo.
Cụ thể, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo: Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC), Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank), Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Trưởng ban Kế toán OceanBank), Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phú Mỹ).
Bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BSC) được Viện Kiểm sát đề nghị giảm mức xử phạt từ 30-36 tháng tù giam, xuống còn 30-36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách đến 5 năm.
Đối với các bị cáo Lê Tuấn Anh (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Thăng Long), Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Vũng Tàu), Nguyễn Minh Đạo (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội), Trần Thị Thu Hương (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hải Dương), Hoàng Bích Vân (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Quốc Chiến (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Sài Gòn), Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo so với đề nghị trước đây của Viện Kiểm sát.
Đối với các bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank), Phạm Hoàng Giang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSC), Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với đề nghị trước đây của Viện Kiểm sát về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.
Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt so với mức đề nghị trước đây đối với các bị cáo Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc Khối kế toán), Đỗ Đại Khôi Trang (nguyên Giám đốc Khối khách hàng cá nhân), Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng), Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ).
Đặc biệt, Viện Kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử miễn hình phạt đối với bốn bị cáo Nguyễn Việt Hà (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Thái Bình), Phan Trung Kiên (nguyên Giám đốc OceanBank Phòng Giao dịch Đông Đô), Nguyễn Thị Loan (nguyên Giám đốc OceanBank Phòng Giao dịch Trung Yên) và Trần Anh Thiết (nguyên Giám đốc OceanBank Chi nhánh Hà Nội).
Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo nói trên chỉ là người làm thuê hưởng lương và thực hiện hành vi sai phạm theo chỉ đạo của cấp trên. Động cơ của các bị cáo này không ngoài mong muốn có công ăn việc làm ổn định nên buộc phải chấp nhận thực hiện hành vi sai trái. Điều này cũng thể hiện rõ trong lời nói sau cùng đầy ăn năn, hối hận của các bị cáo trước tòa.
Riêng đối với bốn bị cáo được đề nghị miễn hình phạt, Viện Kiểm sát xác định, do số lượng tiền chi qua chi nhánh không nhiều, bản thân các bị cáo đã tích cực thu hồi tiền chi trái pháp luật, đồng thời tự giác khắc phục hậu quả. Thậm chí có người còn bán nhà của mình để lấy tiền bồi thường toàn bộ thiệt hại liên quan đến chi nhánh do mình quản lý.
Ghi nhận về một phiên tòa công tâm, khách quan
Từ những lập luận cụ thể, rõ ràng, thuyết phục, có cơ sở pháp lý của đại diện Viện Kiểm sát; từ sự quan tâm lắng nghe của Hội đồng xét xử và từ những chứng cứ, tài liệu bổ sung trong các giai đoạn xét xử tại phiên tòa, các bị cáo đã dần thay đổi nhận thức về hành vi vi phạm của mình. Từ chỗ khăng khăng cho rằng mình không phạm tội, đến cuối phần tranh tụng, hầu hết các bị cáo đã thừa nhận hành vi của mình là trái với quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ của Nhà nước.
Các bị cáo nguyên là những cán bộ cấp dưới của Hà Văn Thắm cũng đã nhận thức rõ hơn về giới hạn của khuôn khổ pháp luật trong việc tuân thủ theo mệnh lệnh của cấp trên. Nhiều bị cáo đã thể hiện sự tiếc nuối khi làm việc theo chỉ đạo một cách mù quáng, chấp nhận đánh đổi tương lai của mình vì mối lợi trước mắt.
Nói lời sau cùng trước Tòa, tất cả các bị cáo trong vụ đều cho rằng đây là phiên tòa dân chủ, khách quan; đồng thời, thể hiện sự ăn năn hối cải, mong được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank), bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank), Nguyễn Minh Thu (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) và nhiều bị cáo khác đã cảm ơn Hội đồng xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân đã quan tâm lắng nghe, điều hành một phiên tòa một cách dân chủ, khách quan, đầy sự cảm thông, chia sẻ...
Có thể nói, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm là một bước tiến mới trong tiến trình cải cách tư pháp, điều mà lâu nay ngành Tòa án vẫn chú trọng hướng tới, nhằm đảm bảo công tác xét xử được công minh, đúng người đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam./.
Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN)