Sau 10 ngày tiến hành xét hỏi tại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank), nhiều bị cáo cho rằng mặc dù huy động vốn với lãi suất cao (bao gồm cả trả lãi suất ngoài hợp đồng, gọi là tiền chăm sóc khách hàng) song lại cho vay với lãi suất cao hơn, nên cuối cùng OceanBank vẫn có lãi, không bị thua lỗ.
Trên cơ sở đó, nhiều bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại hành vi chi lãi ngoài và việc cáo buộc đối với họ về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.” Thực tế, ở từng thời điểm nhất định, OceanBank có lãi không và mức lãi cụ thể như thế nào?
OceanBank lỗ 10.188 tỷ đồng tại thời điểm thanh tra
Sau quá trình điều tra và đánh giá vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định truy tố Hà Văn Thắm và các đồng phạm về hành vi chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng, gây hậu quả thiệt hại hơn 1.576 tỷ đồng.
Cụ thể, đầu năm 2011, để thúc đẩy và phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank.
Theo chủ trương và chỉ đạo của Hà Văn Thắm, các bị cáo nguyên là Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc đã chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban nghiệp vụ thuộc Hội Sở Ngân hàng Đại Dương và 34 bị cáo là giám đốc của các chi nhánh, phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài khi huy động vốn.
Trả lời câu hỏi của luật sư về số tiền cố ý làm trái 1.576 tỷ đồng, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng cần làm rõ tên gọi của các loại tiền. Tiền vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, để dành cho việc trang bị, đầu tư cơ sở vật chất (40%), đầu tư chứng khoán, mở công ty con (40%) và lập quỹ (20%).
Số tiền chi lãi ngoài hoàn toàn không lấy từ vốn điều lệ của OceanBanh mà được lấy từ tiền ngân hàng kinh doanh được. Nghĩa là từ phần lãi của hoạt động cho vay để chi cho hoạt động huy động vốn, do đó không thể nói OceanBank thiệt hại như vậy. Nếu chỉ nhìn vào số tiền chi lãi để huy động vốn mà không nhìn đến số tiền thu về từ hoạt động cho vay, rồi kết luận là thiệt hại là không chính xác.
Ngoài ra, một số bị cáo khác còn cho rằng họ huy động vốn với lãi suất cao, song họ cho vay với lãi suất còn cao hơn với mức chênh lệch từ 4-4,5%, nên cuối cùng OceanBank vẫn có lãi, không bị thua lỗ.
Tuy nhiên, tính tại thời điểm Ngân hàng Nhà nước thanh tra toàn diện OceanBank ngày 31/3/2014, Đoàn thanh tra đã ra Kết luận thanh tra số 340, trong đó khẳng định: OceanBank bị âm vốn chủ sở hữu, nợ xấu là 14.923 tỷ đồng (chiếm 49,84% tổng dư nợ), OceanBank bị thua lỗ 10.188 tỷ đồng (bằng 249,63% vốn chủ sở hữu, tức là âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần).
Trên thực tế, việc lãi mà các bị cáo “nhìn” thấy này chỉ là lãi trong ngắn hạn. Còn lại, phần lớn số tiền sau khi huy động vốn về được tập trung vào nhóm lợi ích của bị cáo Hà Văn Thắm thông qua các công ty “sân sau” của Thắm, đầu tư vào chứng khoán và bất động sản… Đây chính là nguồn gốc gây ra hậu quả nợ xấu, do nguồn đầu tư này là đầu tư dài hạn, chưa sinh lời, không có lãi để trả nợ cho ngân hàng nên Hà Văn Thắm tiếp tục huy động vốn.
“Vượt rào” quy định, ảnh hưởng đến chính sách an ninh tiền tệ
Xét về bản chất, hoạt động tín dụng là huy động vốn, cho vay vốn và một số hoạt động đầu tư khác. Doanh thu từ các tổ chức tín dụng bao gồm thu từ hoạt động tín dụng, thu lãi tiền gửi, thu dịch vụ kinh doanh ngoại hối, thu lãi góp vốn, mua cổ phần, mua bán nợ…
Căn cứ để xác định các khoản thiệt hại ở đây là trong bối cảnh Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được huy động vốn và cho vay vốn ở một mức cụ thể để đảm bảo chống lạm phát. Việc tùy tiện nâng lãi suất là việc làm gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Về vấn đề này, theo quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng: OceanBank cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác đều phải hoạt động trong khuôn khổ Luật các tổ chức tín dụng, không phải là cái "chợ cóc" tự phát để muốn mua hay bán tùy ý; không được cho phép huy động vốn hay cho vay với lãi suất cao, vượt ra ngoài khuôn khổ quy định.
Cụ thể, trong vụ sai phạm tại OceanBank, đã có hai khách thể bị xâm phạm: Một là gây thiệt hại cho OceanBank, hai là vi phạm chính sách an ninh tiền tệ của Nhà nước. Hành vi huy động vốn cao của OceanBank đã vi phạm Thông tư 02/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam.
Trên cơ sở những phân tích này, Viện Kiểm sát đã xác định: Hành vi của các bị cáo đã làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn bằng tiền đồng Việt Nam và đồng đôla Mỹ theo từng thời kỳ. Số tiền chi sai nói trên đã bị hạch toán trái quy định của Nhà nước, cụ thể là hạch toán vào tài khoản chi trả lãi – TK 801 không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ, trái với quy định tại khoản 2 điều 18 Nghị định số 146/2005/NĐ-CP ngày 23/11/2005 của Chính phủ về Chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng và điểm 2.3, mục II, chương II Thông tư số 12/2006/TT-BTC ngày 21/2/2006 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 146/2005/NĐ-CP; khoản 2,3 điều 17 Nghị định số 57/2012/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/7/2012 và khoản 3 Điều 6 Thông tư 05/2013/TT-BTC ngày 9/1/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, quy định: Tổ chức tín dụng không được hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh và các khoản chi không liên quan đến hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, các khoản chi không có chứng từ hợp lệ; vi phạm khoản 2 Điều 27 Luật Kế toán số 3/2003/QH11 ngày 19/5/2003: “Đơn vị kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán để ghi sổ kế toán.”
Thực tế OceanBank lãi bao nhiêu?
Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương.
Tại phiên xử sáng 9/9, bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Trưởng ban Kế toán OceanBank) trình bày: Số tiền từ hoạt động cho vay và huy động vốn phải được giám định cùng nhau, phải dựa vào dòng chảy của đồng tiền. Bằng chứng là sau khi Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng vào đầu tháng 5/2015, đến nay OceanBank đã thu lãi khoảng 1.000 tỷ đồng.
Phân tích trên bình diện chung, OceanBank không dễ dàng gì có thể tự vực lên từ thua lỗ thành có lãi như vậy được. Sau khi mua lại OceanBank với giá 0 đồng từ tháng 5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã rót vốn hỗ trợ, đầu tư thêm cho OceanBank khoảng 3.000 tỷ đồng.
Thêm vào đó, toàn bộ nhân sự là những cán bộ, chuyên gia giỏi có rất nhiều kinh nghiệm của Vietinbank đã được điều động sang OceanBank để hỗ trợ quản trị kinh doanh. Bản thân Vietinbank cũng đã hỗ trợ, chia sẻ với OceanBank rất nhiều cơ hội kinh doanh, chuyển nhiều dự án thanh khoản tốt cho OceanBank.
Kết quả kiểm toán độc lập đối với OceanBank thể hiện tại báo cáo tài chính hàng năm của OceanBank có nêu rõ: Sau khi Ngân hàng Nhà nước mua lại OceanBank với giá 0 đồng vào tháng 5/2015, OceanBank đạt mức lãi trong năm tài chính 2015 là khoảng 49 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2015 là 15.412 tỷ đồng. Mức lãi trong năm tài chính 2016 là 69,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2016 là 15.339 tỷ đồng.
Như vậy, con số mà bị cáo Nguyễn Thị Nga đưa ra là sau khi Ngân hàng Nhà nước mua OceanBank với giá 0 đồng vào đầu tháng 5/2015 thì đến nay OceanBank đã thu lãi khoảng 1.000 tỷ đồng là hoàn toàn không chính xác.
Có thể xác định, việc OceanBank bắt đầu vực dậy hoạt động kinh doanh từ giữa năm 2015 đến nay không phải do hiệu quả từ những hoạt động huy động vốn và cho vay vốn trước đây, mà thực tế là do được đầu tư đồng bộ trên nhiều mặt, cả về nhân lực, vật lực và cơ hội kinh doanh, với mục tiêu hàng đầu là đưa ngân hàng thoát ra khỏi cơn khủng hoảng thua lỗ./.
Kim Anh/TTXVN