Nếu như chủ đề “nóng” bao trùm Hội nghị APEC đầu tuần là khủng bố thì
Hội nghị ASEAN cuối tuần là vấn đề Biển Đông, bởi việc duy trì môi
trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông là điều kiện tiên quyết
để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực và cũng là lợi ích và
trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế.
Đêm 22/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.
Nếu như chủ đề “nóng” bao trùm Hội nghị APEC đầu tuần là khủng bố thì Hội nghị ASEAN cuối tuần là vấn đề Biển Đông, bởi việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực và cũng là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế.
Trong thời gian 2 ngày (từ 21-22/11), tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác đã có một chương trình nghị sự với các hoạt động dày đặc từ sáng sớm cho tới tận tối muộn qua hàng chục hội nghị cấp cao, các cuộc gặp, các sự kiện quan trọng của các nước thành viên Hiệp hội cũng như của ASEAN với các đối tác của mình. Tại các Hội nghị, đã có gần 60 văn kiện được ký kết, thông qua, ghi nhận trong đó có 3 văn kiện được ký kết là Tuyên bố Kuala Lupur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, Tuyên bố Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Công ước ASEAN về chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN
Tuyên bố Kuala Lupur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015 khẳng định cam kết của các nước thành viên đối với Hiến chương ASEAN, phản ánh mong muốn và ý chí tập thể nhằm chung sống trong một khu vực hòa bình, an ninh và ổn định dài lâu, tăng trưởng kinh tế bền vững, thịnh vượng chung và tiến bộ xã hội… đánh dấu một bước ngoặt lịch sử mới trong quá trình phát triển của ASEAN, phản ánh được sự lớn mạnh của ASEAN sau gần 48 năm hình thành, phát triển và vươn lên trở thành một Cộng đồng liên kết chặt chẽ trên cả 3 trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội với vị thế ngày càng cao ở cả khu vực và thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN coi việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015 là dấu mốc lịch sử trong tiến trình liên kết khu vực, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược của ASEAN và khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới ở tầm cao hơn của ASEAN. Đồng thời nhấn mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục, nhất trí rằng ASEAN cần tiếp tục củng cố và đưa liên kết ASEAN lên tầm cao mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được.
Theo đó, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và ba Kế hoạch Tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột với chủ đề "ASEAN 2025: Cùng Vững vàng Tiến bước" định hướng và tạo cơ sở và khuôn khổ cho liên kết của ASEAN trong mười năm tới. Các nhà lãnh đạo cam kết triển khai hiệu quả các văn kiện này, đồng thời cũng nhất trí cần tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể về Kết nối và Sáng kiến Liên kết ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển để hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Tại các Hội nghị, lãnh đạo các nước đối tác như : Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Úc, Newzealand, Ấn Độ, Liên hợp quốc… đề cao ý nghĩa lịch sử của việc hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
Thúc đẩy hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và các đối tác
Cùng với Hội nghị cấp cao ASEAN 27, các Hội nghị cấp cao liên quan gồm: Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, Cấp cao Đông Á (EAS) với 8 nước đối thoại và các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Liên hợp quốc và Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN- Newzealand.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo các nước, tổ chức đối tác đã tập trung kiểm điểm tình hình hợp tác và đề ra các định hướng nhằm tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới, trong đó tập trung vào những lĩnh vực các bên có lợi ích chung như kinh tế, thương mại, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó các thách thức phi truyền thống và xuyên biên giới.
Các đối tác khẳng định sự coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác nhiều mặt với ASEAN. Đặc biệt, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 27, các quốc gia thành viên của Hiệp hội đã thảo luận, nhất trí và đạt sự thống nhất cao với quan điểm cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, nâng cao hiệu quả của các tiến trình hiện có, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các đối tác cũng như trong việc định hình cấu trúc khu vực.
Qua dịp Hội nghị lần này, quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và ASEAN-New Zealand đã chính thức được nâng lên tầm Đối tác chiến lược, đưa tổng số đối tác chiến lược của ASEAN từ 5 nước lên 7 nước (các nước đã là đối tác chiến lược của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia) và đồng thời Kế hoạch Hành động ASEAN-Trung Quốc, ASEAN-Hoa Kỳ và ASEAN-New Zealand giai đoạn 2016-2020 với các nội dung và biện pháp hợp tác cụ thể cũng đã được thông qua với hàng chục tỷ USD hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu… Đây là dấu mốc mới, bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và các đối tác của mình.
Biển Đông là chủ đề được đề cập nhiều nhất
Vấn đề Biển Đông tiếp tục là chủ đề được quan tâm và đề cập nhiều nhất tại các Hội nghị lần này, đặc biệt là tại Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10 hầu hết lãnh đạo các nước tham dự đều chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, bao gồm việc bồi đắp các đảo/đá, làm xói mòn lòng tin và đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.
Ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe… đã đề cập trực tiếp tới việc bồi đắp và xây dựng quy mô lớn đã gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh khu vực, đồng thời kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, không quân sự hoá ở Biển Đông. Nổi bật là nội dung Biển Đông đã được thể hiện hầu hết các Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, nhất là Cấp cao ASEAN 27 và Cấp cao Đông Á.
Chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông tại tất cả các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thành công hợp tác trên mọi lĩnh vực và cũng là lợi ích và trách nhiệm chung của ASEAN, các đối tác và cộng đồng quốc tế. Thủ tướng đề nghị các bên cần tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nghiêm chỉnh thực hiện các nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; đề nghị các bên cam kết không theo đuổi quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhất là cụ thể hóa Điều 5 và đàm phán thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tiếp tục phát huy tinh thần chủ động và trách nhiệm, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 27 và các Hội nghị cấp cao liên quan lần này đã một lần nữa khẳng định sự đóng góp tích cực của Việt Nam vào công việc và thành công chung của Hiệp hội, thúc đẩy ASEAN gắn kết chặt và hoạt động hiệu quả hơn, vì một cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển cường thịnh, vững mạnh cũng như khẳng định uy tín, vai trò, vị thế quan trọng của ASEAN ở khu vực và trên toàn cầu.
Thiện Thuật (TTXVN)