Thứ Sáu, 22/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Chủ Nhật, 22/10/2023 13:59'(GMT+7)

Tăng cường tuyên truyền về phát triển thị trường hàng hóa xanh ở Việt Nam

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đề ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng...

Phát triển thị trường hàng hóa xanh là tập hợp các hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp nhằm tạo ra sự chuyển biến cả về số lượng, chất lượng của nguồn cung hàng hóa xanh, khách hàng tiêu dùng và hoàn thiện hệ thống phân phối để gia tăng việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa xanh, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Để đưa hàng hóa xanh đến tay người tiêu dùng với chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, doanh nghiệp cần hoàn thiện các kênh phân phối. Để phát triển thị trường hàng hóa xanh, doanh nghiệp cần phát triển các yếu tố tạo nên thị trường, như phát triển cung (nguồn hàng), phát triển cầu (tiêu dùng), phát triển hệ thống phân phối, và Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách phát triển thị trường.

So với nhiều nước trong khu vực, việc phát triển nguồn cung hàng hóa xanh ở nước ta vẫn còn khá hạn chế. Số lượng hàng hóa xanh đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn ít, tập trung vào một số hàng hóa nhất định.

Mặc dù thị trường hàng hóa xanh ở nước ta có những bước phát triển, song, sự phát triển này vẫn còn gặp phải những trở ngại nhất định như: Hàng hóa xanh có giá cao trong khi mức thu nhập của người dân Việt Nam còn ở mức trung bình và thấp, khó cạnh tranh với các hàng hóa cùng loại. Các chính sách phát triển hàng hóa xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất hàng hóa xanh còn ít, mức độ hỗ trợ thấp. Chính sách hỗ trợ chưa tạo ra được sự chuyển biến đáng kể để doanh nghiệp đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất…

Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa xanh còn hạn chế. Người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về hàng hóa xanh và vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa. Chủng loại hàng hóa chưa đa dạng, người tiêu dùng ít có sự lựa chọn, chưa được đầu tư dài hạn ở quy mô và phạm vi lớn...

Cửa hàng Bách Hóa Xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Xây dựng, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp, mà đã trở thành “luật chơi” mới. Trong thời gian tới, để phát triển thị trường hàng hóa xanh ở Việt Nam, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển thị trường hàng hóa xanh và hành vi tiêu dùng xanh đối với các tổ chức cấp ủy, chính quyền; doanh nghiệp; cộng đồng cũng như đối với mỗi cá nhân và gia đình. Xây dựng hệ thống thông tin công khai liên quan đến pháp luật, tiêu chuẩn, thủ tục tố tụng hành chính, công nghệ và hàng hóa; ứng dụng thẻ tín dụng xanh...

Hai là, Nhà nước tích cực thực hiện việc xác định các ngành, lĩnh vực trọng tâm có khả năng phát triển, trước hết, cần tập trung vào các hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh. Có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn nền kinh tế xanh; định ra một thời hạn buộc các doanh nghiệp thực hiện; hỗ trợ với lộ trình cụ thể để các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh. Hành lang pháp lý cần cụ thể và chi tiết hơn để hoạt động xây dựng, ứng dụng được bài bản, thống nhất, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam và quốc tế. Các chính sách tài chính cần góp phần hướng tới tăng trưởng xanh như mục tiêu đã đề ra; cần sử dụng công cụ thuế, phí để điều tiết và định hướng sản xuất cũng như tiêu dùng...

Ba là, cùng với quan tâm hơn đến chiến lược sản xuất và xuất khẩu xanh, tạo nên lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần thực hiện các chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, hiệp hội, với đối tác ngay tại nước nhập khẩu.

Bốn là, các bộ, ngành tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động của chương trình nhãn xanh Việt Nam. Trong đó, Bộ Công Thương chú trọng rà soát, sửa đổi Luật Thương mại theo hướng bổ sung quy định về hạ tầng thương mại để làm căn cứ pháp lý cho việc triển khai các chính sách có liên quan; tăng cường phối hợp với với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng hệ thống tiêu chí theo dõi, đánh giá, báo cáo thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; nghiên cứu xây dựng và ban hành hệ thống thuế tiêu dùng xanh, khuyến khích sản xuất, xuất, nhập khẩu các loại hàng hóa xanh…

Năm là, tăng cường liên kết hợp tác giữa các nhà phân phối trong nước, kể cả mua bán, sát nhập để tạo sức mạnh tài chính đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống xây dựng thương hiệu; liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối để ổn định nguồn hàng và thị trường tiêu thụ; thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.../.

Đặng Kim Quý - Vũ Thị Hoàn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất