(TCTG)- Ngày 13/7, Bungari, Hungari và Áo đã ký một thoả thuận liên chính phủ xây dựng tuyến đường ống dẫn khí Nabucco để cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) khí đốt từ Trung Á và Trung Đông mà không đi qua Nga. Đây là một bước tiến mới cho chương trình đang còn thiếu sức thuyết phục.
Dự án Nabucco, được khởi động năm 2002 với sự giúp đỡ của EU và Mỹ nhằm đáp ứng mong muốn của EU đa dạng hoá các nguồn cung năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực này, cũng như Mỹ muốn tăng cường ảnh hưởng đối với các nước thuộc khu vực ảnh hưởng của Liên Xô trước đây. Kinh phí cho dự án trên ước tính lên tới 8 tỷ Euro.
Từ nay đến năm 2015, dự án Nabucco sẽ nối khu vực biển Caxpi, Cận Đông và Ai Cập tới châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ với chiều dài tổng cộng là 3.300 km. Để đối trọng với dự án trên, Nga có kế hoạch xây dựng đường ống South Stream dài 900 km, trị giá 6,8 tỷ USD (4,9 tỷ Euro) do các hãng Gazprom của Nga và ENI của Italia đầu tư, đi qua biển Đen tới Bungari trước khi tách ra để cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu với công suất 30 tỷ mét khối khí/năm. Mátxcơva cũng đang xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream nối Nga với Đức qua biển Ban Tích và tránh không đi quan các nước Ban Tích. Dự án này được xem như phương tiện tăng cường kiểm soát đối với các con đường vận chuyển khí đốt tới các nước phương Tây và tái khẳng định sự thống trị trong khu vực.
Việc Nga đe doạ khí đốt với Ucraina và thực hiện cuộc chiến với Grudia mùa hè nắm ngoái đã củng cố thiện chí của các nước châu Âu xây dựng đường ống tránh không đi qua Nga .
Cũng trong ngày 13/7 tại Ankara, lợi ích của các bên đã được xác định với sự có mặt của năm nước có đường ống Nabucco đi qua, cùng với sự hiện của Tổng thống Grudia Mikhaïl Saakachvili, Thủ tướng Irak Nouri al-Maliki, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu José Manuel Barroso và đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề năng lượng Âu Á Richard Morningstar. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố: “Nabucco sẽ giúp củng cố mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU”. Ông đánh giá “Chúng ta đang sống trong một sự kiện lịch sử” và “mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành nước trung chuyển năng lượng lớn thứ tư của châu Âu”.
Tuy nhiên, với công suất 31 tỷ mét khối khí/năm, dự án Nabucco sẽ chỉ vận chuyển hơn 5% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của EU trong khi đó châu Âu nhập khẩu hơn ¼ lượng khí đốt của Nga. Theo dự báo, nhu cầu khí đốt của EU sẽ tăng đều đặn từ 580 tỷ mét khối khí năm 2007 lên 750 tỷ mét khối khí từ nay đến năm 2030.
Lục địa già nua này vẫn sẽ phụ thuộc lớn vào Nga, song Nabucco sẽ cho phép đối mặt với việc nguồn cung khí đốt từ Nga bị ngưng đột xuất, giống như đã xảy ra những năm qua do các cuộc tranh cãi giữa Kiép và Mátxcơva. Trong quá khứ, Mỹ cũng đã hỗ trợ các dự án vận chuyển khí đốt và dầu có tính cạnh tranh của Nga. EU tin rằng Nabucco sẽ là “Con đường tơ lụa mới” mang lại “thịnh vượng, ổn định và an ninh cho toàn bộ các nước liên quan”.
Một trong những khó khăn lớn mà dự án Nabucco gặp phải đó là sự không chắc chắn cung cấp đủ khí đốt của các đối tác ngoài Nga. Các nhà đầu tư đang do dự tham gia vào Nabucco nếu các nước sản xuất dầu khí không ký kết và một số nước châu Âu đã bày tỏ những vấn đề về lợi ích của riêng quốc gia mình đối với lợi ích chung của 27 nước thành viên. Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thoả thuận liên chính phủ tại Ankara sẽ trấn an các nước.
Vào tháng 5/2009, EU đã giành được sự hỗ trợ chính thức từ Azerbaïdjan, Grudia và Ai Cập song Irắc, Kazakhstan, Turkménistan và Ouzbékistan-những nước có trữ lượng dầu khí lớn đã từ chối cam kết. Và mới đây, Azerbaïdjan đã ký một thoả thuận quan trọng với Nga để cung cấp cho nước này 500 triệu mét khối khí/năm kể từ năm 2010 trong khi bảo đảm rằng vẫn cung cấp đủ cho Nabucco.
Theo các kịch bản đưa ra, đường ống Nabucco sẽ đi qua Grudia-có nguy cơ bị Nga tấn công-hoặc xuất phát từ Iran, một lựa chọn không thực sự được các nước châu Âu đón nhận trong khi họ đang tìm cách buộc Téhéran từ bỏ các hoạt động hạt nhân nhạy cảm. Iran có trữ lượng khí đốt đứng thứ hai thế giới, sau Nga. Theo Michael Klare-tác giả của cuốn sách “Địa chính trị năng lượng mới”, hai nước trên “chiếm 40% nhu cầu khí đốt của thế giới”.
Hơn nữa, Ankara không loại trừ khả năng Nga cũng sẽ trở thành nhà cung cấp khí đốt cho Nabucco, cho dù điều này không nằm trong mục tiêu độc lập nguồn cung khí của EU. Bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ, nằm trên bờ Nam của biển Đen, ở trong một vị trí chiến lược trung tâm, bị lôi cuốn bởi cả hai dự án Nabucco và South Stream. Điều này sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thu được nhiều thuế trung chuyển quá cảnh, mua được khí đốt với giá có lợi nhất và là một lợi thế bổ sung cho hồ sơ gia nhập EU vào thời điểm các cuộc đàm phán phần lớn đang đi vào ngõ cụt.
Theo AP