Chủ Nhật, 17/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 12/7/2009 16:26'(GMT+7)

Vi phạm nghiêm trọng quyền tự do công dân

Ông Bu-sơ khi còn làm Tổng thống Mỹ.

Ông Bu-sơ khi còn làm Tổng thống Mỹ.


Vào năm 2005, tờ Thời báo Niu Y-oóc tiết lộ thông tin rằng, kể từ sau vụ khủng bố 11-9, Tổng thống Mỹ Bu-sơ đã cho phép các cơ quan tình báo trong nước được theo dõi các cuộc điện thoại và các thư điện tử của hàng nghìn người mà không cần xin phép tòa án. Sau đó, Tổng thống Bu-sơ thừa nhận sự việc nhưng cũng nói rằng, ông chỉ cho phép Cơ quan tình báo quốc gia (NSA) nghe lén các cuộc điện thoại quốc tế của những đối tượng bị nghi là khủng bố mà thôi. Sau đó, dưới sức ép mạnh mẽ của Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép các cơ quan tình báo nghe lén điện thoại có hạn chế để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, trong báo cáo, do năm thanh tra Liên bang Mỹ thực hiện, được công bố hôm 10-7, lại cho hay chương trình nghe lén bí mật có quy mô lớn gấp nhiều lần những gì mà Tổng thống Bu-sơ thừa nhận và được Quốc hội Mỹ cho phép. Điều đáng nói hơn là phần lớn thông tin thu thập được qua cái gọi là “Chương trình giám sát của Tổng thống” chẳng có chút giá trị nào trong việc chống khủng bố. Theo báo cáo, rất ít các chuyên gia phân tích của Cục tình báo trung ương (CIA) biết đến chương trình nên không có chuyện các thông tin thu thập được qua nghe lén lại có ích cho an ninh quốc gia Mỹ.

Theo các thanh tra viên, ngay sau vụ 11-9, Tổng thống Bu-sơ chỉ thị cho các cơ quan tình báo thực hiện chương trình bí mật nói trên. Rất ít các quan chức được biết rõ về quy mô của chiến dịch nghe lén này. Trong báo cáo, các thanh tra viên đã chỉ trích dữ dội ông Giôn U, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, người đã bí mật tham mưu cho ông Bu-sơ về chương trình. Báo cáo của các thanh tra khẳng định rằng, những hành động của ông Giôn U là phớt lờ luật pháp. Ngay cả Bộ trưởng Tư pháp Giôn A-xcróp, cấp trên của ông G.U khi ấy, mãi đến tháng 3-2004 mới được biết rõ thực chất của chương trình nghe lén mà chính ông chấp thuận thông qua trước đó hai năm rưỡi.

Các thanh tra viên đã tiến hành phỏng vấn hơn 200 người ở trong và ngoài chính quyền. Tuy nhiên, 5 quan chức dưới thời Tổng thống Bu-sơ đã từ chối trả lời câu hỏi. Đó là các ông cựu Bộ trưởng Tư pháp Giôn A-xcróp, cựu Thứ trưởng Tư pháp Giôn U, cựu Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA) Gioóc Tơ-nét, cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng An-đru Các và cựu Trợ lý Phó tổng thống Đa-vít Ét-đinh-tơn. Theo điều tra, Đa-vít Ét-đinh-tơn là nhân vật có quyền quyết định xem nên cho ai trong bộ máy của ông Bu-sơ biết rõ về chương trình bí mật này.

Báo cáo của các thanh tra Liên bang đã được gửi đến các nghị sĩ Mỹ. Hạ nghị sĩ Giên Ha-man cho biết, bà đã bị sốc mạnh khi được biết về sự tồn tại của chương trình nghe lén bí mật này. Bà Giên Ha-man nói rằng, cách đây vài năm bà có hỏi Bộ Tư pháp Mỹ xem có hoạt động nghe lén hay không. “Ông Bộ trưởng Tư pháp nhìn thẳng vào mắt tôi và nói ‘không”, bà Giên Ha-man nhớ lại. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp của Hạ viện Mỹ Pa-trích Lê-hi cho rằng phải mở ngay một cuộc điều tra chính thức về chương trình thu thập thông tin lén lút này.

Báo cáo của các thanh tra Liên bang Mỹ được công bố cũng đúng vào ngày Hạ nghị sĩ G.Sa-câu-xki, Chủ tịch Tiểu ban Điều tra và Giám sát thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, thông báo Giám đốc CIA Lê-ôn Pa-nét-ta vừa chấm dứt một chương trình mà CIA đã giữ bí mật đối với Quốc hội Mỹ trong suốt 8 năm qua. Ông Pa-nét-ta đã báo cáo với Quốc hội Mỹ rằng, cơ quan này đang giữ những thông tin quan trọng về một chương trình bí mật, được bắt đầu sau vụ khủng bố 11-9. Ông Pa-nét-ta đã thực hiện một cuộc điều tra nội bộ trong CIA để xem tại sao Quốc hội Mỹ hiện hành lại không được thông báo về chương trình này. Giám đốc CIA Pa-nét-ta cũng nói rằng, ông mới chỉ biết về sự tồn tại của chương trình vào cuối tháng trước. Theo bà Sa-câu-xki, việc không thông báo cho Quốc hội Mỹ về chương trình nói trên là việc làm cố ý, có hệ thống và không thể tha thứ được./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất