Nhiều đột phá lớn trong ứng dụng AI
Hiện nay, AI được ứng dụng hầu hết trên các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, giao thông, ngân hàng… mang đến nhiều tiện ích cho con người. Theo TS Lê Viết Quốc đến từ dự án Google Brain, Mỹ cho rằng trong số các công nghệ AI hiện nay, đột phá lớn nhất là công nghệ nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói và tự hình thành ngôn ngữ tự nhiên. Trong đó, riêng công nghệ nhận diện hình ảnh đã có tốc độ tăng trưởng kỳ diệu khi vượt qua khả năng nhận diện của con người vào năm 2016. Ngoài ra, trên thế giới đã có công dân robot đầu tiên mang tên Sophia-robot có hình dạng con người được phát triển bởi Công ty Hanson Robotics (công ty có trụ sở tại Hồng Công) vào năm 2015 và được cấp quyền công dân bởi Chính phủ Saudi Arabia vào cuối năm 2017. Sophia có khả năng biểu cảm trên gương mặt, diễn thuyết và trả lời những câu hỏi bằng tiếng Anh. Mới đây, Sophia đã đến Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0.
Tại Việt Nam, AI cũng đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Tháng 2-2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã đưa hệ thống IBM Watson for Oncology (IBM WFO) vào hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Với cơ sở dữ liệu gồm 15 triệu hồ sơ bệnh án, 300.000 nghiên cứu y khoa thế giới và 400.000 đầu sách y khoa cập nhật liên tục, IBM WFO là hệ thống AI hỗ trợ trong điều trị 13 loại ung thư, đã triển khai ở hơn 80 bệnh viện và cơ sở y tế tại 13 quốc gia. Hệ thống này được phát triển bởi Tập đoàn IBM (tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ) và đào tạo bởi các chuyên gia của trung tâm ung thư hàng đầu nước Mỹ Memorial Sloan Kettering.
Sau khi bác sĩ nhập thông tin của người bệnh vào IBM WFO, hệ thống sẽ xử lý và đưa ra các phác đồ điều trị với các thứ tự ưu tiên về tính hiệu quả và bằng chứng chứng minh cho phác đồ đó. Bác sĩ sẽ quyết định cuối cùng phác đồ nào tốt nhất với bệnh nhân. “Nếu như trước đây, bác sĩ mất 29 tiếng để đưa ra phác đồ thì hệ thống này chỉ mất 2 phút, giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Khi sử dụng hệ thống, bệnh nhân giống như được hội chẩn với đội ngũ bác sĩ đầu ngành tại Mỹ mà không phải ra nước ngoài”, bác sĩ Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết.
Trong bối cảnh CMCN 4.0, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc. Đó là dân số trẻ, nhiều người hứng thú với công nghệ mới, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước... Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế. Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức. Đây là những tiền đề nền tảng quan trọng góp phần đưa các ứng dụng của AI phát triển ở quy mô tổng thể để xây dựng và vận hành một nền kinh tế AI bền vững.
Để Việt Nam có thể bứt phá trong CMCN 4.0, TS Vũ Duy Thức đề xuất giải pháp, Chính phủ Việt Nam và các tập đoàn lớn trong nước cần chú trọng xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data). Sau đó dựa trên Big Data ứng dụng AI vào để quản lý, vận hành nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, cần thu hút nhân tài về lĩnh vực AI trong và ngoài nước phục vụ cho Việt Nam. Hiện nay đã có một số công ty công nghệ ở Việt Nam thuê giáo sư nước ngoài làm cố vấn. Để thu hút được họ, cần tạo môi trường làm việc thuận lợi tương đương với nước ngoài để họ có thể toàn tâm làm việc. Ngoài ra, cần chú trọng trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, lập trình viên chuyên sâu về AI. “Hiện tại, tôi và các cộng sự đã thành lập dự án Việt AI liên kết với một số trường đại học tại Việt Nam với mục đích đem các chương trình AI từ Mỹ về giảng dạy cho các kỹ sư, lập trình viên Việt Nam để tạo ra đội ngũ nhân lực có thể giải quyết các bài toán trước mắt cho mảng AI”, TS Vũ Duy Thức cho biết.
Theo QĐND