Hơn 100 chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh
nghiệm từ các ngành (công nghiệp, nông nghiệp, y tế, ngân hàng…),
các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu hàng đầu trên
thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Pháp, Ba Lan... cùng chia sẻ, trao đổi về những lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Này 21/8, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018 (AI4 Việt Nam).
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi
mới sáng tạo Việt Nam 2018 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công
nghệ, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức từ ngày 18 - 24/8.
Sự kiện này quy tụ hơn 100 chuyên gia công nghệ là các nhà khoa học,
chuyên gia giàu kinh nghiệm về AI từ các ngành (công nghiệp, nông
nghiệp, y tế, ngân hàng…), các trường đại học, viện nghiên cứu, trung
tâm nghiên cứu hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada,
Australia, Pháp, Ba Lan... đều là những người được đào tạo bài bản tại
các trường đại học danh tiếng hàng đầu thế giới, có quá trình làm việc
chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát
triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (trí tuệ nhân tạo,
blockchain, dữ liệu lớn, an ninh mạng, Internet of Things…).
Đó là những cái tên như tiến sỹ Lê Viết Quốc (Google Brain, Mỹ); giáo
sư, tiến sỹ Vũ Hà Văn (Đại học tổng hợp Yale, Mỹ); Tiến sỹ Bùi Hải Hưng
(Mỹ); tiến sỹ Đào Ngọc Thành (CEO & Fouder của Bap-Blockchain); tiến
sỹ Đỗ Bình Minh (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ); phó giáo sư, tiến sỹ
Nguyễn Lê Minh (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản…).
Theo đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tổ chức AI Việt Nam 2018
nhằm chia sẻ tầm nhìn, quan điểm chiến lược của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước,
Chính phủ về cơ hội tiếp cận và tận dụng những thành tựu của khoa học
công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay vào những
ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Bên cạnh đó, sự kiện sẽ kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên
cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho
Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam; thu hút sự quan tâm, đóng góp
của giới trí thức người Việt ở nước ngoài đang nghiên cứu, công tác
trong các ngành, lĩnh vực công nghệ hàng đầu; tạo dựng mạng lưới kết nối
các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công
nghệ ở trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng
nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư.
Các
chuyên gia cho rằng, thị trường của AI là rất lớn và Việt Nam cần tập
trung để phát triển, bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0. (Ảnh: Vietnam+)
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định: hơn lúc nào
hết, những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo
Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng mong muốn sẽ hình thành những nhóm nghiên cứu về AI như
nhóm chiến lược; thị trường; dữ liệu; triển khai ứng dụng; đào tạo và
nghiên cứu cơ bản và mong muốn các nhà khoa học tập hợp lại, xây dựng
một mạng lưới vững mạnh về trí tuệ nhân tạo Việt Nam./.
(Vietnam+)