(TG) - Cùng với cả nước, ngành tuyên giáo của tỉnh Cà Mau luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, nắm chắc tình hình địa phương, kịp thời tham mưu các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo
Qua mỗi thời kỳ lịch sử, công tác tuyên giáo luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự chủ, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, tạo thế và lực để nước ta tiếp tục tiến lên, giành những thắng lợi mới.
Cùng với cả nước, ngành tuyên giáo của tỉnh Cà Mau luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, nắm chắc tình hình địa phương, kịp thời tham mưu các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ, đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, khoa giáo; nhiều vấn đề lớn của đất nước, của địa phương được cập nhật, chuyển tải đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng tại địa phương, đơn vị; làm tốt công tác định hướng tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội; chủ động nắm bắt, đánh giá tình hình diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội đề xuất các phương hướng, biện pháp giải quyết; nhiều cách làm hay, kinh nghiệm quý được tổng kết, nhân rộng… góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngành tuyên giáo của tỉnh Cà Mau trong năm qua còn tồn tại những hạn chế như: công tác tham mưu giúp cấp ủy các cấp ở một số lĩnh vực chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; một số cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt, triển khai các chỉ thị, nghị quyết chưa có nhiều đổi mới, tính thuyết phục chưa cao, chậm đi vào cuộc sống; công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị một số mặt còn lạc hậu, chưa theo kịp sự vận động nhanh chóng, phong phú, phức tạp của thực tiễn; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh dù có nhiều hình thức phong phú nhưng nội dung còn thiếu hấp dẫn, chưa tạo sức lan tỏa sâu rộng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một số đơn vị còn hình thức, chưa kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả; việc phối hợp triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách về văn hóa, giáo dục, đào tạo khoa học, công nghệ, y tế thiếu nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ còn chậm đổi mới, chưa có nhiều tác phẩm xuất sắc phản ánh quá trình lao động sản xuất, xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau; công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng bộ ở một số nơi còn nhiều khó khăn, hạn chế, chất lượng chưa đảm bảo; đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo ở một số cấp ủy chưa ngang tầm nhiệm vụ…
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường nhất là vấn đề Biển Đông; thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu trở thành thách thức đáng lo ngại, tác động trực tiếp đến kinh tế - xã hội của tỉnh; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí trong một phận cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi; các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", tăng cường chống phá trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa, báo chí, dư luận xã hội. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng khoa học công nghệ tác động sâu sắc, toàn diện tới đời sống nhân dân… đặt ngành tuyên giáo trước những khó khăn, thách thức mới.
Để giải quyết những vấn đề lớn và hệ trọng trên, đòi hỏi ngành Tuyên giáo Cà Mau quyết tâm cao trong đổi mới nội dung, phương thức công tác. Đó là quá trình lâu dài, cần có lộ trình phù hợp, khoa học trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm của lịch sử, đồng thời không ngừng tổng kết thực tiễn, luôn đổi mới, sáng tạo để công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu nhanh nhạy, hiệu quả, phù hợp, thuyết phục. Trong đó, cần làm tốt các nội dung, yêu cầu sau:
Một là, nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời tham mưu cấp ủy có giải pháp xử lý phù hợp theo phương châm: “công tác tuyên giáo phải đi trước để dự báo, định hướng tuyên truyền, vận động và đi sau để giải quyết dứt điểm những vướng mắc về tư tưởng, tâm trạng xã hội, đúc kết kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo”.
Hai là, công tác tuyên giáo phải gắn bó chặt chẽ với toàn bộ quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương như: kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân…
Ba là, công tác tuyên giáo phải góp phần trực tiếp xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Tập trung đấu tranh, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nguy cơ “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; triển khai thường xuyên và hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình; chú trọng nêu gương tốt, tích cực và phê phán những biểu hiện xấu, tiêu cực trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bốn là, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo theo hướng chuyên sâu, có cơ cấu hợp lý, chú trọng bồi dưỡng lý luận chính trị, năng lực thực tiễn, khả năng nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, kỹ năng nói và viết tốt, có phương pháp và tác phong làm việc khoa học để tham mưu hiệu quả; cán bộ được đề bạt bổ nhiệm làm công tác tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có khả năng tổng kết thực tiễn, định hướng dư luận và ngang tầm nhiệm vụ.
Năm là, tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận theo hướng: bám sát nhiệm vụ chính trị địa phương, đưa lý luận nhanh chóng đi vào cuộc sống, giải đáp kịp thời, có sức thuyết phục những vấn đề cơ bản, cấp bách nảy sinh trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng… làm cơ sở hoạch định chủ trương, chính sách sát hợp với tình hình, đem lại hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Văn Kiều – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau