Theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng của năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 207,99 tỷ USD; trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 103,98 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cả nước ước xuất siêu 14 triệu USD.
Khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI (không kể dầu thô) chiếm trên 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 57,84 tỷ USD. Hai nhóm hàng xuất khẩu có kim ngạch vượt 10 tỷ USD, gồm hàng dệt may khoảng 13,78 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện với 11,4 tỷ USD. Trong khi đó, phía nhập khẩu cũng có hai nhóm đạt kim ngạch vượt 10 tỷ USD, gồm điện tử, máy tính và linh kiện với 12 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác là 14,64 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, riêng trong tháng 11 này, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 20,45 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 10,2 tỷ USD, giảm 1,18% so với thực hiện tháng 10/2012.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 10,25 tỷ USD, tăng nhẹ so với thực hiện tháng trước. Như vậy, tính riêng trong tháng 11 này, cả nước ước nhập siêu khoảng 50 triệu USD, từ mức nhập siêu 166 triệu USD trong tháng trước.
Trong tháng 11, chỉ có hai nhóm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 1,3 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,35 tỷ USD. Ở các nhóm còn lại, xuất khẩu dầu thô đạt gần 805 triệu USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (790 triệu USD), thủy sản (550 triệu USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (340 triệu USD).
Bộ Công Thương đánh giá trong những tháng cuối năm, kim ngạch nhập khẩu tăng chậm và thấp hơn kim ngạch xuất khẩu đã góp phần không nhỏ cải thiện cán cân thanh toán. Đến thời điểm này, về cơ bản ngành công thương đã sắp hoàn thành mục tiêu xuất khẩu trên 100 tỷ USD.
Để tiếp tục tăng tốc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu của năm, hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xuất khẩu; điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất-nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính theo hướng hỗ trợ tối đa sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương chỉ đạo các ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao tập trung phát triển nhóm hàng hóa mới; Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh, ưu tiên phát triển nhóm ngành hàng này./.
HT