Cà phê đặc sản được xem là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Anh Tạ Duy Thanh ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng có 3 ha trồng cà phê. Trước đây, anh trồng cà phê theo phương pháp truyền thống, phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết và giá cả thị trường nên dù đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Năm 2015, anh Thanh quyết định tham gia Hợp tác xã Ea Tân để phát triển cà phê đặc sản. Khác với sản xuất, chế biến cà phê thông thường, dòng cà phê cao cấp – cà phê đặc sản được trồng chế biến đòi hỏi công phu hơn nhưng đã đem lại cho anh giá trị cao hơn gấp 3 lần so với sản xuất thông thường.
“Cà phê đặc sản phải hái chín đến 90%, trước đây theo chiều thuận là hái xanh hơn, từ khi tham gia vào chương trình cà phê đặc sản này thu hái phải chín 90% trở nên. Ngoài ra phải áp dụng phân bón đúng số lượng và hàm lượng cho nên giảm công và chi phí”, anh Thanh cho hay.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk là đơn vị tiên phong sản xuất cà phê đặc sản. Bước đầu, với thương hiệu “Fine Robusta Buôn Ma Thuột” công ty cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn sản phẩm cà phê đặc sản các loại với giá tăng thêm khoảng 40% so với giá thị trường.
Đánh giá về tiềm năng phát triển cà phê đặc sản, ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 cho rằng, Đắk Lắk mới chỉ bước đầu khai thác tiềm năng còn rất lớn này, với diện tích, sản lượng chưa nhiều. Để cà phê đặc sản Đắk Lắk được biết đến rộng rãi trên thị trường, cả người dân và doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến cơ sở vật chất, kỹ thuật cùng với xây dựng chính sách phát triển bài bản để nâng cao toàn diện chất lượng, uy tín của cà phê Việt Nam.
“Để mở rộng hơn nữa chúng ta cần khẳng định chất lượng của toàn cà phê Việt Nam chúng ta không những có về số lượng mà còn hướng về chất lượng. Khi đó những người mua nước ngoài đã mua cà phê đặc sản ở những nước khác như Châu Phi, Indonesia, Ấn độ… mới tìm đến Việt Nam, xem Việt Nam là một nơi cung cấp cà phê đặc sản của thế giới. Đến lúc đó nhu cầu được mở rộng ra chúng ta mới mạnh dạn đẩy được nguồn sản xuất. Tôi nghĩ rằng nếu có nhu cầu chắc chắn Việt Nam sẽ làm được cà phê đặc sản ngon đáp ứng các tiêu chuẩn của thế giới”, ông Lê Đức Huy nhấn mạnh.
Theo ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, thị trường cà phê đặc sản được hình thành cách đây khoảng 30 năm, đầu tiên là ở Mỹ, sau đó là các nước Châu Âu, Nhật Bản... Thị phần loại cà phê này chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy rằng, thị phần thấp nhưng đem lại giá trị gia tăng cao, gấp từ 5 đến 10 lần tùy theo loại cà phê.
Tại Đắk Lắk, trong niên vụ 2017-2018, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia thử nếm đánh giá chất lượng. Kết quả, có hơn 10% mẫu cà phê có điểm số thử nếm đạt 80 điểm trở lên và có thể sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản. Đây là hướng đi mới nhằm nâng tầm giá trị thương hiệu cho cà phê mang Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột. Đồng thời, sự xuất hiện của cà phê đặc sản còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê.
“Lâu nay chúng ta khai thác mảng cà phê thương mại thông thường, khai thác cà phê bền vững, giờ đây cà phê đặc sản là mảng chúng ta khai thác thêm thôi. Tìm cách để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam. Quan trọng là kết nối giao thương trực tiếp giữa người sản xuất và những người có nhu cầu mua cà phê đặc sản, những nhà rang xay có nhu cầu mua cà phê đặc sản. Thứ 2 là tạo động lực cho những người sản xuất sản xuất ra những cà phê có chất lượng cao. Thứ 3 là tạo một thị trường, một kênh từ sản xuất cho tới tiêu dùng cà phê đặc sản không nhưng chỉ ở trong nước mà sẽ vươn ra nước ngoài”, ông Trịnh Đức Minh nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Trưởng ban tổ chức lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019 khẳng định, cây cà phê vẫn là cây trồng thế mạnh và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Đắk Lắk sẽ chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển nhiều hơn nữa các vùng trồng cà phê đặc sản; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu, thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước; đẩy mạnh bảo hộ cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên các thị trường nước ngoài.
“Lần này chúng tôi phát triển thị trường cà phê đặc sản. Đây chính là nhu cầu tiêu thụ và xu thế của thế giới. Thứ hai, chúng tôi muốn phát triển cà phê đặc sản vì giá trị gia tăng rất lớn. Nếu chúng ta trồng nhiều cà phê và xuất khẩu nhiều cà phê như thế không chú ý đến thị phần này thì người thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân. Do đó chúng tôi muốn lần này quảng bá thị trường cà phê đặc sản để thế giới biết rằng cà phê xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng cũng có cà phê đặc sản”, ông Hải Ninh cho biết.
Cà phê đặc sản đang là xu hướng phát triển mới ở Việt Nam. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đang diễn ra chính là dịp để Đắk Lắk trình diễn những thành quả phát triển ban đầu theo xu hướng này. Để rồi từ đây, cà phê đặc sản Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung, lan tỏa rộng rãi ở thị trường trong nước và dần chinh phục thị trường thế giới./.
Theo VOV.VN