Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 9/3/2019 14:53'(GMT+7)

Cần cú hích để thanh toán điện tử tại Việt Nam phát triển

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

TẠO NỀN TẢNG CHO CÁC LĨNH VỰC KHÁC

Thanh toán qua di động là xu hướng phát triển chung của thế giới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thanh toán di động đã chứng minh được tính khả thi và hiệu quả cao mang lại, đặc biệt là những quốc gia mà hệ thống ngân hàng chưa phủ sóng rộng khắp. Tại một số nước thanh toán di động còn trở thành một trong những kênh thanh toán chính của người dân, hỗ trợ đắc lực cho việc kinh doanh và các thanh toán nhỏ lẻ.

Tại Việt Nam, từ cách đây cả chục năm, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khuyến khích phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, đã có một số ví điện tử ra đời, tạo nhiều thuận tiện cho người dân trong thanh toán các loại hóa đơn, mua sắm, dù phạm vi tác động còn khá khiêm tốn.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ, Việt Nam đứng trước yêu cầu phải thực hiện chuyển đổi số, hình thành một nền kinh tế số. Trong đó có việc đẩy mạnh các dịch vụ tài chính số nói chung và thanh toán di động nói riêng để tạo nền tảng phát triển các lĩnh vực khác.

Là bộ chủ quản trong lĩnh vực ICT, đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc cách mạng này, Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông, giúp thanh toán di động đến được mọi người dân, kích thích kinh tế tăng trưởng.

Tháng 1/2019, trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sỹ), Bộ TT&TT đã ký kết 2 thỏa thuận hợp tác về CMCN 4.0 với WEF và ngay sau khi ký thỏa thuận, Việt Nam sẽ cùng WEF hợp tác thực hiện Dự án về Thanh toán di động.

Trong buổi làm việc mới đây với VNPT, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định Việt Nam mới có khoảng 30 - 40% người dân có tài khoản ngân hàng, lại tập trung ở các khu vực đô thị trong khi đó số lượng thuê bao di động thì vượt cả tổng dân số cả nước, mạng viễn thông phủ sóng khắp các vùng miền. Vì vậy, việc sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán sẽ đem lại nhiều lợi ích, giải quyết nhiều vấn đề của xã hội và chúng ta cần phải tạo ra một giai đoạn bùng nổ trong thanh toán di động.

VNPT SẴN SÀNG CHO THANH TOÁN ĐIỆN TỬ

Ngay từ năm 2008, khi những chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Nhà nước được ban hành, VNPT là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện với việc góp vốn phát triển Ví điện tử VNPT EPAY.

Mới đây nhất, VNPT đã cho ra mắt ứng dụng VNPT Pay để cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, góp phần thay đổi thói quen thanh toán tiền mặt tại Việt Nam.

VNPT Pay là một nền tảng thanh toán tập trung giúp khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, từ thanh toán cước dịch vụ viễn thông (cước di động, cước truyền hình cáp...), đóng phí giao thông (mua vé máy máy, vé xe) tới  thanh toán bảo hiểm, tiền điện nước, vé xem phim... Ứng dụng hiện đã kết nối với nhiều ngân hàng lớn như Vietcombank, TP Bank, Vietbank, SeAbank....

Với thanh toán di động, VNPT xác định đây là xu hướng chung của thế giới. Thanh toán di động là một giải pháp nhanh, khả thi và hữu hiệu để hỗ trợ hiện thực hóa chủ trương thúc đẩy các dịch vụ tài chính số của cơ quan quản lý. VNPT đã sẵn sàng cả về tài chính và công nghệ để có thể triển khai ngay dịch vụ này khi được phép.

Về tình hình tài chính, hiện nay cả tài khoản, dòng tiền của VNPT đều đảm bảo có thể triển khai dịch vụ này. VNPT thậm chí đủ vốn điều lệ để thành lập một ngân hàng.

Liên quan tới vấn đề phí dịch vụ, VNPT đề nghị mở cửa cạnh tranh dịch vụ tương tự như đã làm với thị trường di động trước kia. Phí dịch vụ sẽ nhanh chóng được các đơn vị cung ứng đưa về mức phù hợp với người dân, giúp dịch vụ phủ sóng rộng khắp trong một thời gian ngắn.

Thanh toán di động đem lại nhiều tiện lợi cho người sử dụng là điều không phải bàn cãi song mặt khác cũng đặt ra một số bài toán liên quan tới an toàn quốc gia, tội phạm mạng. Với thế mạnh về công nghệ, VNPT tự tin có thể tìm kiếm giải pháp quản lý dòng tiền được chuyển qua mạng di động, đảm bảo quyền lợi cho cả người sử dụng lẫn cơ quan quản lý.

Theo số liệu do Ngân hàng Thế giới công bố vào năm 2018, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực với mức 4,9%, trong khi đó tỷ lệ này tại Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan đạt 59,7% và Malaysia đến 89%. Theo một thống kê khác của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, 40% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, nhưng 90% chi tiêu hàng ngày sử dụng tiền mặt.

Thúy Quỳnh (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất