Trước khi thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí, TPHCM có 1 cơ quan báo chí thuộc Thành ủy là Sài Gòn Giải Phóng. Đây là một trong những tờ báo lớn của cả nước, là cơ quan báo chí chủ lực tại thành phố, là tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân thành phố. Hiện Báo Sài Gòn Giải Phóng bản in được phát hành đến tổ dân phố, đảng viên từ 40 tuổi đảng trở lên. Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng là một trong những địa chỉ tin cậy của bạn đọc.
Thực hiện Kết luận số 615-KL/TU ngày 4/5/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy và Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 25/5/2020 của UBND Thành phố về phê duyệt Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025, thì ngoài Báo Sài Gòn Giải Phóng, Thành ủy là cơ quan chủ quản của Báo Người lao động, Báo Phụ nữ TPHCM, Tạp chí Cựu chiến binh và Báo Tuổi trẻ TPHCM. Đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp Giấy phép hoạt động báo chí đối với Báo Phụ nữ TPHCM và Báo Người lao động. Ngày 27/4/2021, Thành ủy đã trao quyết định bổ nhiệm lãnh đạo 2 cơ quan báo chí này.
Báo Tuổi trẻ và Báo Cựu chiến binh hiện nay đang trong quá trình sắp xếp theo quy định.
Thời gian qua, các báo thuộc Thành ủy TPHCM đều phát triển ổn định và tích cực. Nhìn chung, đây đều là những tờ báo uy tín, có lượng phát hành khá lớn, có vị trí nhất định trong hoạt động báo chí nói chung của cả nước. Mức độ lan tỏa thông tin của các tờ báo này đều tích cực, được công chúng đánh giá cao. Hình thức các báo khá sinh động, hấp dẫn với sự trình bày khá hiện đại. Cùng là báo của Thành ủy nhưng về cơ bản không có cạnh tranh nhau về đối tượng công chúng báo chí: Báo Sài Gòn Giải Phóng hướng nhiều đến các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị; Báo Người lao động vẫn phục vụ đắc lực cho tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp, vẫn tiếp tục hướng đến việc bảo vệ quyền lợi người lao động; Báo Phụ nữ TP vẫn tập trung việc chăm sóc, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, tiếp tục đóng vai trò diễn đàn cho tổ chức hội phụ nữ các cấp. Từ góc độ đó, các báo của Thành ủy phần nào bổ sung thông tin cho nhau để có thể phản ánh nhiều mặt của đời sống chính trị, xã hội thành phố, bám sát những vấn đề nóng bỏng của thành phố, các vấn đề được người dân quan tâm…
Nội dung thông tin của các tờ báo này nhìn chung là nghiêm túc, đứng đắn, thể hiện rõ tính định hướng. Các báo đều bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, các chỉ đạo của Thành ủy, Ban Tuyên giáo Thành ủy, kịp thời phản ánh các vấn đề lớn của đất nước và thành phố. Trong đó, nội dung về phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được các báo phản ánh sinh động, không chỉ cung cấp kịp thời các thông tin chính thức và còn gợi mở, đề xuất các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn để Chính phủ, Bộ Y tế và chính quyền các địa phương quan tâm, điều chỉnh, như việc công bố hết dịch, việc thiếu vaccine, việc người dân thiếu tích cực tham gia tiêm vaccine…
Các báo cũng thực hiện các sản phẩm báo chí mang tính diễn đàn đề xuất với lãnh đạo thành phố những vấn đề cụ thể trong phát triển thành phố, như về việc cần có các chính sách đặc thù dành cho thành phố, việc thực hiện đường Vành đai 3, việc khắc phục các bất cập của hệ thống y tế ở cơ sở, việc hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, việc xây dựng đô thị văn minh… Các báo đều chú trọng việc lan tỏa thông tin tích cực bằng nhiều hình thức, nhất là qua các cuộc thi, như “Lòng tốt quanh ta”, “Người thầy kính yêu”… (Báo Người lao động), “Tỏa sáng giá trị Việt” (Báo Sài Gòn Giải Phóng)…
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động kinh tế báo chí của các tờ báo thuộc Thành ủy tiếp tục ổn định, số lượng phát hành báo in tuy có sụt giảm chút ít trong thời gian qua nhưng báo điện tử có sự phát triển nhanh; doanh thu từ các hoạt động bán báo, quảng cáo, truyền thông… ổn định, giúp các báo về cơ bản là chủ động trong hạch toán. Việc thực hiện phối hợp truyền thông với các địa phương, đơn vị bước đầu được thực hiện, kể cả với các địa phương ngoài TPHCM, đã góp phần làm phong phú thông tin cho các báo, đồng thời giúp báo có thêm nguồn thu.
Các báo đều chú trọng sử dụng mạng xã hội để tiếp cận nhiều hơn, nhanh hơn đến với bạn đọc, như Facebook, YouTube, TikTok… Đồng thời, các báo đều chú trọng khai thác các ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên trang điện tử để phát huy tối đa hiệu quả thông tin, như audio, video, podcast, infographic, long-form, e-paper, e-magazine… Thông qua nhiều nền tảng, bản điện tử của các báo có lượng truy cập đến hàng trăm ngàn lượt mỗi ngày, thuộc nhóm những tờ báo tiếng Việt có người truy cập cao hàng đầu cả nước.
Một số tờ báo đã đi đầu về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thể hiện nội dung, chuyển đổi số, trong tương tác với bạn đọc… Trong đó, Báo Người lao động đã tiên phong thực hiện thu phí bạn đọc đối với một số sản phẩm báo chí có chất lượng cao, được đầu tư đặc biệt hoặc thuộc dạng “độc quyền thông tin”; qua hơn 3 tháng triển khai, Báo đã có hàng chục ngàn tài khoản đăng ký dài hạn, có thể coi là một bước tiến đáng kể trong gắn kết việc nâng chất lượng thông tin và sự đồng hành thường xuyên của công chúng báo chí, điều mà hiện chưa nhiều báo ở Việt Nam thực hiện.
Bên cạnh đó, các hoạt động truyền thông “sau mặt báo” hoạt động khá phong phú và được dư luận đánh giá cao. Báo Sài Gòn Giải Phóng hiện có nhiều chương trình có ý nghĩa như tổ chức Giải Quả bóng Vàng Việt Nam, giải thưởng Võ Trường Toản (dành cho giáo viên), Học bổng Nguyễn Văn Hưởng (dành cho sinh viên ngành y)… Báo Người lao động có Chương trình “Đường cờ Tổ quốc” (trước đây là “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”), giải Mai vàng (trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, văn nghệ) và chương trình “Mai vàng nhân ái” (chăm lo một số văn nghệ sĩ lớn tuổi, mắc bệnh, gặp khó khăn…), cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế” (đang thực hiện lần thứ 4), chương trình “ATM thực phẩm” trong đợt cao điểm phòng chống dịch, các cuộc thi có giá trị lan tỏa thông tin tích cực… Báo Phụ nữ TP có các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em gái, hoạt động chống bạo hành và xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em…
Phát biểu tổng kết các phiên thảo luận tại Hội nghị Nâng cao chất lượng báo đảng toàn quốc, tổ chức ở Đà Nẵng ngày 12/11/2022, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định: “Báo Đảng luôn phải đáp ứng với yêu cầu đi đầu, thực sự trở thành người bạn đồng hành tin cậy của rộng rãi đối tượng bạn đọc, phải bám sát tôn chỉ, mục đích, tăng cường tính đảng, tính chiến đấu, đồng thời lan tỏa, truyền cảm hứng, hướng người đọc đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Báo Đảng phải trở thành “trạm cảm biến” xã hội, nhanh nhạy, sâu sát hơn trong nắm bắt thông tin, cung cấp thông tin “chính xác, có căn cứ, có dẫn nguồn” đáp ứng yêu cầu kiểm chứng thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân”. Xét ở các yêu cầu này, các báo thuộc Thành ủy TPHCM đã phần nào thể hiện rõ nét. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, các báo phải tiếp tục đổi mới, cải tiến, sáng tạo hơn nữa để không ngừng phục vụ ngày càng cao nhu cầu của công chúng báo chí thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Nguyễn Minh Hải