Chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về giao đất và thời hạn giao đất, đại
biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) bày tỏ lo ngại, những người sinh sau năm
1993 sẽ không có đất để sản xuất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Bộ trưởng
Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang trả lời câu hỏi này.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, xuất phát từ Nghị
quyết 19 của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (Khóa XI) về tiếp tục
đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, tiếp tục khẳng định là không đặt vấn
đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân. Thực hiện
chủ trương này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng
Dự thảo Luật đất đai 2003 (sửa đổi) theo hướng tăng thời hạn sử dụng đất nông
nghiệp, trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, theo luật cũ là 20 năm và nay đề nghị
lên 50 năm.
“Người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng 50 năm nữa, đảm bảo
cho người được giao đất yên tâm ổn định sản xuất, tránh các thủ tục không cần
thiết khi hết thời hạn quy định 20 năm. Đồng thời quy định 50 năm vẫn đảm bảo
quyền thuộc sở hữu của Nhà nước”, Bộ trưởng nói.
Trả lời câu hỏi nếu không điều chỉnh lại đất nông nghiệp
thì cần có biện pháp gì để người sinh ra sau năm 1993 có đất để sản xuất nông
nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, trước hết theo quy định của
Luật 2003 và dự kiến sẽ sửa đổi, đối với trường hợp người sử dụng đất nông
nghiệp đã chết, người không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp thì sẽ thực hiện
chuyển quyền sử dụng đất hoặc thực hiện thừa kế, tặng, cho đối với người sinh
sau theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, ở một số địa phương đã có biện pháp điều chỉnh
đất nông nghiệp trong nội bộ tại địa bàn dân cư như thông qua sự đồng thuận của
địa bàn dân cư thì tiến hành điều chỉnh đất nông nghiệp khi thực hiện chủ trương
về dồn điền, đổi thửa. Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình đã điều chỉnh
trong nội bộ địa bàn dân cư với sự đồng thuận cao của nhân dân.
“Hoặc thu hồi đất nông nghiệp với trường hợp trả lại đất do
không có nhu cầu sử dụng và vận động hộ gia đình đang chuyển đổi nghề, chuyển
nhượng, cho thuê đất nông nghiệp cho lao động nông nghiệp chưa có đất hoặc có
nhu cầu sử dụng đất nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nêu giải
pháp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, nếu nhìn về lâu dài, tức
là sau năm 2020, khi đất nước trở thành nước công nghiệp, lao động nông
nghiệp sẽ chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, lúc đó lao động nông
nghiệp chỉ dưới 35%, giảm áp lực về đất nông nghiệp cho lao động, nên vấn đề tạo
quỹ đất cho lao động mới hình thành sẽ không trở thành vấn đề bức bách như hiện
nay.
“Từ những lý do nêu trên chúng tôi cho rằng, Trung ương khẳng
định chủ trương không điều chỉnh đất nông nghiệp là phù hợp với thực tiễn hiện
nay và lâu dài”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Ưu tiên tín dụng nông nghiệp đã phát huy hiệu
quả
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình báo cáo thêm về hiệu quả và tình
hình giải ngân các gói hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp, nông dân.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong thời gian vừa qua,
đặc biệt là trong 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính
phủ, ngành Ngân hàng đã ưu tiên nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và nông
thôn. Nhờ đó, mà mặc dù trong tình hình hết sức khó khăn, nông nghiệp và nông
thôn đã có bước phát triển ổn định và vững chắc trong thời gian vừa qua.
Từ năm 2008 đến nay, hằng năm tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực
nông nghiệp và nông thôn tăng trung bình khoảng 20%/năm. Dư nợ tín dụng cho nông
nghiệp và nông thôn đến ngày 31/12/2012 đã đạt 561.533 tỷ đồng.
“Trong suốt giai đoạn vừa qua, đặc biệt là trong những năm gần
đây, mặc dù tín dụng cho nền kinh tế để tăng trưởng không được cao, nhưng tín
dụng cho nông nghiệp và nông thôn vẫn tăng trưởng rất cao. Ví dụ riêng trong 4
tháng đầu năm nay, tín dụng của cả nền kinh tế chỉ tăng trưởng hơn 2%, trong khi
tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn tăng xấp xỉ 5%”, Thống đốc nói.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng báo cáo Quốc hội về
một số gói tín dụng hiện nay mà hệ thống ngân hàng đang áp dụng cho những lĩnh
vực ưu tiên đối với nông nghiệp và nông thôn.
Dư nợ cho vay mua tạm trữ lúa gạo theo quyết định của Thủ
tướng Chính phủ đã đạt 7.612 tỷ đồng, tương đương thu mua tạm trữ 951.630 tấn
gạo và đạt 95% kế hoạch.
Theo Quyết định số 850 ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ,
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đợt thu mua tạm
trữ lúa gạo tiếp theo.
Trong lĩnh vực thủy sản và chăn nuôi, từ ngày 15/8/2012 đến
30/4/2013, doanh số cho vay theo tinh thần Công văn số 1149 của 5 ngân hàng
thương mại Nhà nước đã đạt 63.193 tỷ đồng, trong đó với kết quả cho vay cá tra
là 27.955 tỷ đồng, dư nợ đến 30/4/2013 là 17.549 tỷ đồng. Cụ thể, cho vay để
nuôi tôm trong 4 tháng đầu năm 2013 đạt 8.644 tỷ đồng, dư nợ đến 30/4/2013 còn
14.856 tỷ đồng. Cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn và gia cầm đạt 21.579 tỷ
đồng, đến 30/4/2013 dư nợ còn 17.705 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, doanh số cho
vay hỗ trợ, giảm tổn thất sau thu hoạch đạt thấp.
Đến ngày 30/4/2013, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất nói trên của
4 ngân hàng thương mại đạt 699 tỷ đồng, mặc dù có tăng 15% so với cuối năm
ngoái, nhưng vẫn là con số rất thấp.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là đối với cho vay mua máy
móc thiết bị trong chương trình tín dụng ưu đãi này phải có tỷ lệ nội địa hóa
trên 60%. Trong khi đó máy móc thiết bị bà con nông dân có nhu cầu mua không đạt
được tỷ lệ nội địa hóa 60%.
“Vấn đề này sau khi đi tìm hiểu, chúng tôi cũng đã có công văn
gửi các bộ có liên quan để báo cáo Chính phủ kịp thời xử lý”, Thống đốc
nói.
Về cho vay đối với cà phê, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho
biết, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để có những chương trình tín dụng, đặc biệt là chương trình tín
dụng khoảng 12 nghìn tỷ đồng với một mức lãi suất hợp lý, bà con nông dân có thể
chấp nhận được với thời gian vay trung và dài hạn.
“Tôi tin chắc rằng với sự phối hợp rất chặt chẽ của hai Bộ,
cũng như của chính quyền địa phương các cấp, gói tín dụng này sẽ phát huy được
hiệu quả trong thời gian sắp tới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng
định.
Qua các số liệu nêu trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình
nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã dồn một lượng tín dụng rất lớn cho phát
triển nông nghiệp và nông thôn và trên thực tế cũng đã đạt được một số kết quả.
Thống đốc cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, giữa Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước sẽ có
sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để các chính sách về hỗ trợ nông nghiệp và nông
thôn, chính sách đối với nông dân phát huy được hiệu quả tốt hơn nữa. Quan điểm
này của Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận được đồng thuận từ Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng./.
Xuân Tuyến (VGP)