Bên cạnh đó là trách nhiệm quản lý nhà nước về giá cả và chất lượng của cây giống, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi để hạn chế tiêu cực và thúc đẩy sản xuất; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
* Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới
Nêu lên những hạn chế của ngành nông nghiệp hiện nay như sản xuất không có lãi, sản phẩm khó tiêu thụ, giá vật tư tăng cao, bị cạnh tranh gay gắt...làm người sản xuất không có lãi, bị “lỗ kép” bởi doanh thu giảm nhưng chi phí tăng, các đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái), Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)...đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp hỗ trợ cụ thể, trực tiếp hơn nhằm khắc phục khó khăn, nông dân thoát nghèo, yên tâm sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, giải pháp quan trọng có tính chất đột phá, giải quyết được một cách căn cơ những tồn tại hiện nay là triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Một mặt, Chính phủ đã có chủ trương mua tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ giữ giá cho nông dân; mặt khác, chỉ đạo ngành Ngân hàng tăng cường cung cấp tín dụng để nông dân không phải bán vội lúa để trả nợ cho ngân hàng cũng như mua vật tư; duy trì đàn gia súc. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ thúc đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, các giải pháp nằm trong Đề án tái cơ cấu, vừa hỗ trợ trực tiếp vừa đầu tư vào các nhiệm vụ có tính chất lâu dài và căn cơ như nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cấp cải tiến giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp người nông dân sản xuất ổn định và có hiệu quả. “Rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Nhà nước cho khu vực nông thôn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo thực hiện 3 giải pháp: Giám sát, quyết liệt chống và đến nay đã cơ bản khống chế dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, lở mồm long móng; tăng cường kiểm soát chất lượng thức ăn và con giống để chất lượng tương xứng đồng tiền, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và địa phương kiểm soát buôn lậu gia cầm. Bộ trưởng nêu rõ: Nhằm khắc phục và tạo chuyển biến mạnh mẽ về lâu dài, Bộ đang rà soát cơ cấu lại ngành chăn nuôi, xác định loại gia súc phù hợp nhất đối với các tiểu vùng; tập trung giải quyết khâu giống; khuyến khích phương thức chế biến thức ăn công nghiệp hoặc kiểu công nghiệp. Đồng thời, rà soát quy hoạch, khuyến khích phát triển sản xuất nguyên liệu trong nước để giảm giá; phổ biến cách thức chăn nuôi tiến bộ theo hướng chăn nuôi công nghiệp để đạt hiệu quả hơn...nhằm giảm giá thành chăn nuôi để trong điều kiện khó khăn, người nông dân vẫn có lãi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về giải pháp nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trước tình hình chất lượng nông sản còn thấp so với một số nước trong khu vực, dẫn đến ứ đọng, khó tiêu thụ khiến nông dân dù đã cố gắng vẫn không thoát nghèo, Bộ trưởng khẳng định: Tập trung nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản là nhiệm vụ chính của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Để đạt được yêu cầu này, cần có bộ giống tốt, hệ thống cơ sở hạ tầng tương thích giúp nông dân sản xuất ổn định, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng an toàn thực phẩm.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng cho biết biện pháp tháo gỡ khó khăn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong trồng cà phê, cao su do thiếu đất sản xuất, nước tưới, giá cả bấp bệnh. Bộ trưởng cho biết, phải giải quyết tổng thể, không chỉ Tây Nguyên mà cả các vùng miền khác. Cụ thể, Bộ đã đề nghị từng xã trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới rà soát quỹ đất, tùy theo lợi thế của từng nơi, xác định cây trồng phù hợp nhất trên địa bàn và hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng hiệu quả, không làm theo phong trào. Có như vậy, bà con mới có thể thoát nghèo bền vững.
*Tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý quản lý sản xuất, phân phối vật tư nông nghiệp
Liên quan đến vấn đề lĩnh vực sản xuất và phân phối thuốc bảo vệ thực vật, phân bón còn yếu kém, một số đại biểu cho rằng công tác quản lý nhà nước còn yếu kém, vẫn để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không kiểm soát được giá cả…và yêu cầu Bộ trưởng nêu rõ những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thuốc bảo vệ thực vật hiện được bán tràn lan, không đảm bảo chất lượng, một số nơi dùng thuốc vượt quá quy định, làm lương thực, thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện là vấn đề bức xúc mà biện pháp chính là xây dựng hành lang pháp lý. Do nước ta không có nguồn kali nên phải nhập hầu hết phân kali; mới chỉ sản xuất được khoảng ½ nhu cầu phân phốt pho và tự chủ được khoảng 2/3 phân đạm. Về thuốc bảo vệ thực vật, nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu; vắc xin cúm gia cầm, lợn tai xanh vẫn phải nhập khẩu. Hiện nay đã có Pháp lệnh về bảo vệ, kiểm định thực vật. Bộ cũng đã tham mưu với Chính phủ ban hành thông tư, xây dựng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật, củng cố hệ thống quản lý thuốc cũng như các loại vật tư; thường xuyên kiểm tra sản phẩm, cơ sở sản xuất, đấu tranh với buôn lậu (phần lớn thuốc và vật tư giả trên thị trường có nguồn gốc từ buôn lậu), xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. 61 tỉnh, thành phố đã tiến hành tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh 10 mặt hàng vật tư nông nghiệp chủ lực; lên danh sách đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu; xếp hạng, kiến nghị đình chỉ sản xuất cơ sở không đạt yêu cầu; xử lý vi phạm hành chính, nêu tên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, việc này “cần sự nỗ lực đồng bộ” – Bộ trưởng chia sẻ.
Đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp của Bộ xử lý vấn đề phân bón kém chất lượng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, gây thiệt hại cho nông dân, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm phân bón. Bộ trưởng Cao Đức Phát biết quan điểm là thực hiện đồng bộ các biện pháp từ xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ, địa phương triển khai thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm túc nhất.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình thêm: Hiện nay tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang gây nhức nhối trong dư luận, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người nông dân. Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai nhiều biện pháp nhưng kết quả chưa được như mong muốn mà 2 nguyên nhân chính là do: Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón vô cơ còn bất cập và chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định bao quát diễn biến mới, tạo thêm căn cứ pháp lý cho sản xuất, kinh doanh phân bón và dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là căn cứ pháp lý, quan trọng là các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Giải trình thêm về vấn đề thẩm định chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định: Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 ( thành phố Hồ Chí Minh) của Bộ đã được đầu tư từ nhiều năm, tiềm lực trang thiết bị đảm bảo sự tin cậy trong quá trình kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa, đặc biệt là phát hiện hàng kém chất lượng, hàng hóa, sản phẩm độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, thực hiện Luật thanh tra mới, thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn chất lượng không còn tồn tại mà chỉ có thanh tra Nhà nước. Trong các đội kiểm tra liên ngành, Bộ Khoa học Công nghệ phải phối hợp với cơ quan quản lý thị trường. Hơn nữa, các chế tài xử phạt nhẹ, không đủ sức răn đe, nên vẫn có tình trạng làm hàng giả, hàng kém chất lượng, các đối tượng vi phạm tiếp tục tái phạm.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 317 về nâng cao năng lực của các trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng ở 63 tỉnh thành phố vào thời điểm, nguồn đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị và đào tạo cán bộ còn hạn chế do khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, chương trình quốc gia nâng cao năng lực của trung tâm kỹ thuật đang được thực hiện để đáp ứng yêu cầu. Bộ Khoa học - Công nghệ sẽ cố gắng sẽ nâng cao năng lực của các Trung tâm kỹ thuật của các Sở khoa học công nghệ để đủ năng lực kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương trong công tác giám định chất lượng sản phẩm hàng hóa.
*Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về trồng và bảo vệ rừng
Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số đại biểu đề nghị nêu rõ trách nhiệm của Bộ trước tình trạng vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng, trong đó có sự tiếp tay của một bộ phận cán bộ kiểm lâm. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện nay, Bộ cùng các địa phương đang tích cực nỗ lực triển khai thực hiện Chỉ thị số 1685 và Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp chống phá rừng trái pháp luật và chính sách hỗ trợ, bảo vệ rừng. Đồng thời, triển khai các đề án phòng chống cháy rừng và tăng cường năng lực của hệ thống kiểm lâm. Vừa qua Bộ phối hợp với các địa phương đã chỉ đạo kiểm tra, thực hiện luân chuyển 815 cán bộ kiểm lâm, xử lý kỷ luật 127 kiểm lâm tiếp tay cho phá rừng, buộc thôi việc 7 người.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, về lâu dài, vẫn phải hỗ trợ giải quyết khó khăn của người dân thiếu đất sản xuất hoặc khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiếp tục phối hợp cùng các địa phương tiến hành giao đất, khoán rừng; triển khai chủ trương thu phí dịch vụ môi trường rừng để tăng nguồn kinh phí bảo vệ rừng, giao khoán rừng để người dân quan tâm nhiều hơn cùng lực lượng chức năng bảo vệ rừng. Vấn đề quan trọng là các cấp chính quyền thực hiện tốt các chỉ thị, chủ trương, chính sách tại địa phương mình. Liên quan đến chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) về vấn đề các chủ đầu tư công trình thủy điện đến nay mới trồng bù 375ha/2000ha diện tích rừng đã mất, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp đã thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm túc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hợp với Bộ Công thương và địa phương liên quan kiểm tra. Các doanh nghiệp phản ánh khó khăn chính gặp phải là việc bố trí diện tích đất để trồng thay thế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với địa phương rà soát quy hoạch để có hướng dẫn doanh nghiệp. Mặt khác, đề nghị Chính phủ có chính sách cho phép các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự về đất đai được nộp tiền vào ngân sách để phân bổ sang địa phương khác có quỹ đất lớn hơn để trồng rừng. Bộ trưởng khẳng định: Trong thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, các địa phương để đôn đốc tạo chuyển biến thực sự, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật.
Nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi liên quan đến: Vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; biện pháp tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu; thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; giải pháp xây dựng nông thôn mới đạt kế hoạch đề ra…
Sáng mai, 13/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội./.
TTX