Tỉnh Thái Bình nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 4 nên dự báo sẽ có mưa rất to. Để chủ động đối phó với bão, chiều 23/7, tỉnh Thái Bình đã tổ chức cuộc họp với các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão này.
Tỉnh đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy tập trung kêu gọi, hướng dẫn toàn bộ số tàu thuyền trong tỉnh còn đang hoạt động trên biển khẩn trương về nơi tránh trú bão an toàn; đồng thời, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại khu vực neo đậu, tránh va đập gây vỡ và chìm tàu, kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền nơi neo đậu.
Tỉnh chỉ đạo 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy triển khai thực hiện phương án bảo vệ an toàn cho ngư dân làm ăn, sinh sống ngoài bãi sông, ven biển, khu du lịch và khu vực nuôi trồng thủy hải sản; bảo vệ các công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đặc biệt là trên các tuyến đê sông, đê biển.
Ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo 2 Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nam và Bắc Thái Bình cùng các địa phương chủ động đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, tiêu nước triệt để các khu vực nội đồng để đề phòng mưa lớn kết hợp với triều cường gây ngập úng lúa mùa mới cấy.
Đi kiểm tra công tác triển khai phòng chống cơn bão số 4 tại 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, lãnh đạo tỉnh Thái Bình yêu cầu các huyện cần chủ động phối hợp với lực lượng biên phòng thông báo diễn biến của cơn bão số 4, tuyên truyền cho tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Tiền Hải, hiện nay, toàn huyện có trên 900 tàu thuyền với trên 2.200 lao động hoạt động trên biển; trong đó, có 5 đôi tàu đánh bắt xa bờ với trên 900 lao động, trên 940 chòi ngao với gần 1.900 lao động.
Đến nay, huyện đã chuẩn bị nơi neo đậu tàu thuyền an toàn tại các khu neo đậu cảng Nam Thịnh, Cống 8 cửa (xã Đông Minh), cống Lân (xã Nam Cường), cống Tân Lập (xã Nam Hải) và đã lên phương án di chuyển 150 hộ dân của xã Đông Long và người dân một số xã ngoài đê vào trong nội đồng để khi có lệnh triển khai được ngay.
Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh, đến 17 giờ chiều nay, tỉnh Thái Bình đã liên lạc được toàn bộ trên 1.400 tàu thuyền đang hoạt động trong tỉnh. Trong đó có 1.218 phương tiện với trên 2.200 lao động đã về neo đậu tại các bến trong tỉnh, 29 phương tiện đánh bắt xa bờ với 225 lao động đang neo đậu tại vùng biển Cát Bà (Hải Phòng) và đảo Cô Tô (Quảng Ninh), hiện chỉ còn 179 phương tiện với 583 lao động đang hoạt động trên vùng biển Thái Bình.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là thời điểm bão đổ bộ lại trùng với thời điểm triều lửng, do vậy việc tiêu úng sẽ gặp nhiều khó khăn sẽ gây ảnh hưởng lớn cho trên 79.000 ha lúa mùa mới cấy của tỉnh.
Trước tình hình cơn bão số 4 đang tiến vào gần bờ và diễn biến phức tạp, từ ngày 21- 23/7, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên có công điện gửi các Sở, ngành, các đơn vị tại Khu kinh tế Dung Quất và các huyện ven biển, hải đảo triển khai công tác phòng, tránh cơn bão số 4.
Theo báo cáo nhanh của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi, đến 15 giờ ngày 23/7, Quảng Ngãi có 1.809 phương tiện với 11.219 lao động hoạt động trên biển.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi chỉ đạo các Đồn biên phòng phối hợp với các gia đình sử dụng máy ICOM cộng đồng tại các địa phương thường xuyên thông báo diễn biến tình hình cơn bão số 4, đồng thời duy trì thông tin liên lạc với tất cả các tàu thuyền đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh bão, chủ động xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; các trạm biên phòng quản lý chặt chẽ việc xuất bến ra khơi hành nghề trên biển.../.
TH