Việt Nam được đánh giá có mức độ đa dạng sinh học cao trên thế giới, với hơn 95 kiểu hệ sinh thái, hàng chục nghìn loài thực vật, hàng trăm loài động vật, nhiều loài vi sinh vật trên cạn và dưới nước. Tuy vậy, các hệ sinh thái, các giống loài và nguồn gen của nước ta đang tiếp tục bị suy giảm đáng báo động.
Bằng việc thực hiện các chương trình, dự án như Chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng... độ che phủ rừng của Việt Nam hiện đã đạt khoảng 40% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, phần lớn diện tích rừng tăng thêm là rừng trồng và chủ yếu là cây công nghiệp, nên chất lượng rừng ngày càng suy giảm.
Cụ thể là diện tích rừng nguyên sinh, rừng đa tầng suy giảm trầm trọng, hiện chỉ còn 0,57 triệu ha, đồng thời phần lớn thuộc loại rừng nghèo, có trữ lượng gỗ dưới 100m3/ha; còn rừng trồng mới đều có cấu trúc đơn điệu và tính đa dạng sinh học thấp.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng đang suy giảm nhanh về diện tích, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học. Diện tích rừng ngập mặn trên cả nước chỉ còn khoảng 160.000 ha, giảm hơn 50% so với năm 1943. Trong đó rừng ngập mặn nguyên sinh không đáng kể, đa số là rừng trồng mới, số còn lại là rừng thứ sinh. Do đó, hiện có tới 55% trong tổng số hơn 2.400 km chiều dài hệ thống đê biển (tương đương 1.325km) không có rừng ngập mặn bảo vệ.
Đặc biệt, hệ sinh thái biển nước ta đã và đang lâm vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Trong tổng số hơn 200 rạn san hô với diện tích 110.000 ha và khoảng 18.500 ha thảm có biển, hiện nay chỉ còn vẻn vẹn 14,5% diện tích rạn san hô phát triển tốt, còn 49,9% đang ở tình trạng xấu và rất xấu; diện tích thảm cỏ biển giảm 60%, tập trung tại các khu vực biển Miền Trung và Nam bộ.
Theo sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 Việt Nam mới có 25 loài động vật hoang dã ở mức nguy cấp, thì đến năm 2010 con số này đã lên tới 47 loài. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu, nhưng tại Việt Nam lại bị đe dọa rất cao như hạc cổ trắng; một số loài động vật hoang dã đã bị tuyệt chủng tại Việt Nam thì vẫn còn tồn tại ở các quốc gia lân cận.
Tương tự như động vật hoang dã, nhiều loài thực vật trước đây tại Việt Nam chỉ ở mức sắp nguy cấp, nay đã xếp ở mức nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ diệp, tam thất hoàng... Điều này cũng đang xảy ra đối với nhiều loài sinh vật biển, nơi mà nhiều loài cá có giá trị kinh tế cao, các nguồn lợi sinh vật biển đang suy giảm nghiêm trọng. Kể cả một số giống cây trồng, vật nuôi truyền thống, bản địa cũng lâm vào tình trạng bị mai một dần như lợn ỉ mỡ, lợn cỏ, gà Văn Phú... đã và đang gây nguy cơ mất cân bằng sinh thái cao, nếu như Việt Nam không sớm có những giải pháp ngăn chặn và phục hồi./.
Văn Hào