Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) được xác định là bảo tàng cấp quốc gia, đứng đầu trong hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở nước ta. Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam (TNVN) tại Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1147/CP-KG (ngày 25-9-2002, nhưng tiếc thay, đến nay, sau năm, sáu lần thay đổi vị trí, bảo tàng vẫn chưa được cấp đất để có địa điểm xây dựng.
Một ngày hè oi bức cuối tháng 6-2012, chúng tôi tìm đến Bảo tàng TNVN nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi làm việc của các cán bộ bảo tàng, vốn trước đây là xí nghiệp sản xuất tinh dầu của một viện chuyên ngành, được Viện KH và CN Việt Nam đầu tư cải tạo lại. PGS,TS Phạm Văn Lực, Giám đốc Bảo tàng TNVN, dẫn chúng tôi đi qua mấy dãy nhà rồi hướng đến một góc khuôn viên của viện, nơi mà ông bảo là khu xử lý, chế tác mẫu vật và nhà kho của đơn vị. Len qua các lối đi chật hẹp, ghé vào mấy phòng chứa mẫu vật gọi là kho nhưng có phòng chỉ khoảng 10 m2, nơi rộng nhất cũng chỉ gần 30 m2. Ngoài một số ít mẫu vật như: chim, cá, hổ, báo, hươu, nai, cầy hương được sắp xếp theo các tư thế khác nhau; còn lại ngà voi, vẩy rùa biển, xương các loại động vật, cái vứt chỏng chơ giữa nền nhà ẩm thấp, số được để trong bao ni-lông hoặc đựng trong mấy cái hòm đặt ở lối đi. Theo PGS Phạm Văn Lực, cán bộ, nhân viên của ông vẫn cố tìm mọi cách bảo quản mà chưa biết hàng chục nghìn mẫu vật đến khi nào mới được đặt đúng vị trí của nó, bởi việc cấp đất cho Bảo tàng TNVN vẫn là "câu hỏi chưa lời đáp"...
Bảo tàng thiên nhiên (các nước phát triển gọi là bảo tàng lịch sử tự nhiên), là tổ chức văn hóa - khoa học có nhiệm vụ sưu tầm, lưu giữ, trưng bày triển lãm; phổ biến kiến thức và tuyên truyền giáo dục về thiên nhiên; phục vụ tham quan du lịch. Ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ, bảo tàng lịch sử tự nhiên đã được xây dựng cách đây 200-300 năm, với hàng chục triệu mẫu vật về côn trùng, thực vật, khoáng vật, cổ sinh vật và động vật... Còn ở nước ta, như Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 86/QÐ-TTg (ngày 20-4-2006) về "Quy hoạch tổng thể Hệ thống bảo tàng thiên nhiên ở Việt Nam đến năm 2020" là: Xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống bảo tàng thiên nhiên hoàn chỉnh về cơ cấu; hiện đại về kỹ thuật; khoa học, hiệu quả và phong phú về nội dung hoạt động. Phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, tham quan, học tập phổ biến kiến thức về quá trình phát triển lịch sử tự nhiên ở Việt Nam. Mục tiêu cụ thể đặt ra cho Bảo tàng TNVN là xây dựng các bộ sưu tập mẫu vật cấp quốc gia, khu vực, và chuyên ngành về thực vật, động vật, địa chất, khoáng vật và các lĩnh vực khác. Hình thành các vườn thực vật, vườn động vật, khu trưng bày ngoài trời cấp quốc gia và khu vực... Cho nên Bảo tàng TNVN cần có một không gian rộng rãi tương đối gần khu vực trung tâm, thuận tiện về giao thông phục vụ việc tham quan, học hỏi của học sinh, sinh viên và khách du lịch.
Hơn mười năm qua, lãnh đạo Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia (trước đây) nay là Viện KH và CN Việt Nam, khi trực tiếp gặp gỡ, lúc gián tiếp bằng công văn đã nhiều lần đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét giải quyết cấp đất để xây dựng Bảo tàng TNVN. Vì các lý do khác nhau, mười năm rồi việc giải quyết cấp đất xây dựng Bảo tàng TNVN đã trải qua năm lần thay đổi. Ban đầu là địa điểm ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, có diện tích 6,7 ha được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội giới thiệu tháng 4-2000. Nhưng sau đó, thay vì tạo điều kiện mở rộng mặt bằng cho đủ 10 ha như ý kiến của một đồng chí Phó Thủ tướng, thành phố Hà Nội lại dừng việc cấp đất cho Bảo tàng TNVN. Ðến tháng 10-2006, Hà Nội giới thiệu địa điểm thứ hai, thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm có diện tích khoảng 10 ha. Với địa điểm này, Bảo tàng TNVN cũng đã hoàn thành hồ sơ xin cấp chỉ giới đường đỏ vào tháng 3-2007. Song "niềm vui ngắn chẳng tày gang", vì địa điểm này sau đó được dành cho một đơn vị khác. Sang lần thứ ba, Hà Nội chỉ cho Bảo tàng TNVN một vị trí thuộc xã Ðại Mỗ, huyện Từ Liêm. Song lại không thành và lý do cũng không rõ. Ðịa điểm thứ tư mà Hà Nội giới thiệu cho Bảo tàng TNVN (tháng 2-2009) thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, cách Trung tâm Hội nghị quốc gia khoảng 22 km. Sau khi nhận được ý kiến đồng tình của Bộ Xây dựng về địa điểm nói trên (Công văn số 1199/BXD-KTQH ngày 18-7-2011), lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội có văn bản giao Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết cho Bảo tàng TNVN vào trung tuần tháng 8-2011. Cán bộ bảo tàng đang phấn chấn thì đùng một cái, ngày 11-2-2012, sở này có báo cáo UBND thành phố Hà Nội, đề xuất lựa chọn một địa điểm mới cho Bảo tàng TNVN (địa điểm thứ năm). Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, giáp với địa phận tỉnh Hòa Bình, là một vị trí thuộc xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, nơi sát với các mỏ đá đang khai thác. Xa khu dân cư, không thuận lợi đường giao thông, nếu bảo tàng thiên nhiên đặt tại địa điểm này, theo các nhà chuyên môn sẽ không thực hiện được chức năng tuyên truyền, giáo dục phục vụ cộng đồng nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên.
Trước thực tế này, mong rằng TP Hà Nội sớm quan tâm cấp đất tại địa điểm phù hợp để xây dựng Bảo tàng TNVN - Dự án đã được Chính phủ phê duyệt cách đây mười năm./.
Theo Nhân Dân