Năm học 2015 – 2016, ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An đẩy mạng công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong tất cả các ngành học, bậc học, phấn đấu đạt mục tiêu 100% các cơ sở giáo dục đều triển khai tự đánh giá, 25% được đánh giá ngoài.
Đây là giải pháp nhằm giúp các nhà trường xác định đúng mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn để xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, đồng thời thông báo công khai với các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục của nhà trường.
Trường Trung học cơ sở Anh Xuân là một trong những trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng mức độ 3 đầu tiên của huyện Nam Đàn. Hai năm sau khi được công nhận, nhà trường không thỏa mãn với kết quả đạt được mà tiếp tục phấn đấu để nâng cao dần chất lượng giáo dục. Thầy giáo Lê Văn Minh – Hiệu trưởng trường THCS Anh Xuân cho biết: “Thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục, từ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên đến chất lượng giáo dục đều được công khai. Chính điều này đã giúp cho các nhà trường, từng bộ phận chuyên môn của trường biết hiện tại mình đang ở đâu để có kế hoạch tổ chức tốt hơn các hoạt động giáo dục. Từ khi được công nhận kiểm định chất lượng cấp độ 3, tinh thần học tập cũng như giảng dạy của giáo viên, học sinh rất sôi nổi. Hai năm liền, trường có nhiều học sinh giỏi tỉnh, giỏi quốc gia, chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên rõ rệt”.
Thực tế cho thấy, lâu nay một số trường học quen quản lý theo kiểu gia đình, không theo đúng các quy định về công tác quản lý nhà nước nên khi bắt tay vào thực hiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về tài liệu, tư liệu minh chứng. Về nhân lực, các nhà trường thường quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo nhưng lại ít chú ý đến đội ngũ nhân viên nên hiện tại không ít trường thiếu nhân viên, nhân viên chưa đạt chuẩn đào tạo. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục vẫn do tự các trường xoay trở, không được bố trí trong kinh phí thường xuyên.
Để thực hiện đánh giá trong và đề nghị đánh giá ngoài, các nhà trường đã điều chỉnh được công tác quản lý hành chính theo đúng quy định hiện hành, chấm dứt cách quản lý tùy tiện trước đây. Thay vào đó là thực hiện quản lý văn bản mềm mà nhà trường chưa từng làm. Từ đó, bám vào các tiêu chuẩn quy định của nội dung kiểm định chất lượng giáo dục, tổ chức thực hiện để luôn đạt được các tiêu chuẩn ấy với mức độ ngày càng cao, các trường học ngày càng được nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kiểm định chất lượng giáo dục đã và đang trở thành giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường. Điều đáng nói, ngành Giáo dục Nghệ An tập trung chỉ đạo thực hiện giải pháp này ở các huyện vùng cao như Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn… Việc kiểm định chất lượng giáo dục được tiến hành qua hai bước: tự đánh giá và đánh giá ngoài (cơ quan quản lý giáo dục đánh giá). Sau đánh giá ngoài, nếu đạt tiêu chuẩn, các trường sẽ được công nhận, được cấp Giấy Chứng nhận chất lượng giáo dục ở ba cấp độ từ thấp lên cao: Cấp độ 1 đạt từ 60% số tiêu chí trở lên; cấp độ 2 đạt từ 70% đến dưới 85% số tiêu chí và cấp độ 3 đạt ít nhất 85% số tiêu chí. Qua bốn năm thực hiện, đến nay tỉnh Nghệ An có 221 trường được đánh giá ngoài, được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó có 37 trường mầm non, 113 trường tiểu học, 63 trường trung học cơ sở và 8 trường trung học phổ thông. Phần lớn, những đơn vị trường học được cấp Giấy chứng nhận này tập trung ở Cửa Lò, Thái Hòa, Quỳ Châu, Nam Đàn, Đô Lương, Hoàng Mai, Kỳ Sơn…
* Ngày 25/8, tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2014-2015, tổng kết công tác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2015-2016. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Huy Phong biểu dương những cố gắng của toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh trong năm học vừa qua. N ăm học 2015-2016, ngành cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, toàn ngành tiếp tục triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; t ăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh gắn với việc đ ưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, thực hiện xoá mù chữ, nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập; tă ng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông . Ngành cũng t riển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học , t ăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh , sinh viên , đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.
Năm học vừa qua, ngành giáo dục và đào tạo Bình Phước đã thực hiện có hiệu quả việc đổi mới công tác quản lý, đổi mới kiểm tra đánh giá và phương pháp giảng dạy. Các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành được duy trì, dần đi vào chiều sâu và trở thành hoạt động thường xuyên tại các cơ sở giáo dục. Chất lượng giáo dục của tỉnh tiếp tục giữ vững và nâng cao, công tác giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên được các đơn vị quan tâm, chú trọng; số học sinh bỏ học giảm nhiều so với năm học trước. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đã hoàn thành và được Bộ kiểm tra, công nhận.
* Bước vào năm học mới 2015-2016, vùng căn cứ cách mạng Kbang, tỉnh Gia Lai đón chào thêm 2 ngôi trường mới nâng tổng số lên 51 trường với gần 15.000 học sinh, tăng hơn 320 học sinh so với năm trước. Để đáp ứng nhu cầu dạy và học của thầy cô và các em học sinh, ngành giáo dục KBang đã cơ bản hoàn thành mọi nhiệm vụ hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục, sẵn sàng bước vào năm học mới với khí thế mới.
Chuẩn bị cho năm học mới 2015- 2016, thông qua nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, ngành giáo dục huyện KBang đã đầu tư gần 19 tỷ đồng xây dựng 31 phòng học, 5 phòng ở bán trú, nhiều hạng mục công trình phụ trợ và trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho nhu cầu dạy và học. Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cũng được ngành đặc biệt chú trọng nhằm từng bước chuẩn hóa nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của năm học mới. Toàn ngành đã có hơn 1.000 lượt cán bộ, giáo viên được học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong dịp hè. Cùng với việc chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, ngành giáo dục huyện cũng đã tổ chức cấp gần 49 tấn gạo cho hơn 1.600 học sinh các trường bán trú, các trường vùng đặc biệt khó khăn…để các em săn sàng bước vào năm học mới. Cô Hoàng Thị Quế, phó trưởng phòng giáo dục huyện KBang cho biết: Đến giờ phút này, toàn bộ công tác chuẩn bị cho năm học mới trong toàn huyện đã cơ bản đáp ứng đủ điều kiện. Ngành cũng đã tổ chức hoàn thành các lớp bồi dưỡng chuyên môn, chính trị hè cho đội ngũ giáo viên. Về cơ sở vật chất, ngành cũng đã tiến hành bàn giao cho các nhà trường để chuẩn bị tốt cho năm học mới và tiến tới sẵn sàng khai giảng vào ngày 5/9.
Là địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông cách trở, mô hình trường học bán trú chính là mô hình điểm mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số học sinh của vùng đất căn cứ cách mạng KBang. Hiện toàn huyện có 7 trường bán trú, thì có đến 6 trường có học sinh nội trú. Trường Phổ thông dân tộc ban trú Tiểu học Đăk Rong là một trong số đó. Được thành lập cách đây 4 năm, ngôi trường nằm giữa vùng rừng núi hoang sơ thuộc địa bàn xã đặc biệt khó khăn Krong và cách trung tâm huyện KBang 70km vững trãi như một biểu tượng của sức sống mãnh liệt. 100% học sinh của nhà trường được ăn, học nội trú tại trường từ thứ 2 đến thứ 6, những tháng mùa mưa, các em phải ở lại 2 tuần thậm chí cả tháng mới được về nhà. Năm học này, nhà trường đón nhận thêm 60 em học sinh nâng tổng số học sinh nội trú tại trường lên 310 em. Hầu hết các em học sinh đang theo học tại trường đều ở cách xa trường từ 15 đến 20km. Để đáp úng nhu cầu ăn ở, học tập của các em, nhà trường đã huy động các bậc phụ huynh cùng chung tay, góp sức mở rộng thêm khu ăn ở, sinh hoạt và khu vui chơi giải trí với số tiền hơn 200 triệu đồng. Thầy Phạm Quốc Tuấn, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc ban trú Tiểu học Đăk Rong cho biết: Trên cơ sở số lượng học sinh đăng ký nhập học, ngay từ đầu tháng 7, nhà trường đã tổ chức mở rộng qui mô chỗ ăn ở, sinh hoạt…và đến giờ phút này đã đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất để đón các em đến trường.
Đồng hành cùng với nhà trường chuẩn bị cho năm học mới còn có các nhà hảo tâm tình nguyện góp công sức mở rộng khu ăn, ở và tặng những món quà thật ý nghĩa như quần áo, sách vở cho các em học sinh của trường Phổ thông dân tộc ban trú Tiểu học Đăk Rong. Chị Nguyễn Thị Trúc Phương, nhà hảo tâm đến từ tỉnh Tiền Giang tâm sự: Tôi biết đến ngôi trường vùng sâu này thông qua các kênh thông tin. Cảm kích trước sự cống hiến đầy nhiệt huyết của các thầy cô nơi đây, đặc biệt là hình ảnh thầy cô đưa đón các em đến trường thể hiện tình cảm, tình thương yêu chân thành dành cho các em. Do đó chúng tôi dốc hết sức mình cố gắng mỗi năm đến trường 1 lần để hỗ trợ thầy cô và các em. Cùng với việc tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất, các bậc phụ huynh còn phụ giúp các thầy cô tăng gia sản xuất, nuôi heo, chăm sóc vườn rau để góp thêm vào khẩu phần ăn cho các em. Sự gắn bó chân thành giữa gia đình và nhà trường tạo cho các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm khi con em mình được học trong ngôi trường bán trú này. Chị Phạm Thị Hoan ở làng Kon Vong 1, xã Krong chia sẻ: Nhà tôi làm nông nên ít có thời gian chăm sóc cháu và đưa đón cháu đi học. Cháu được vào học tại trường Phổ thông dân tộc ban trú Tiểu học Đăk Rong, gia đình tôi rất yên tâm bởi sự nhiệt tình và tâm huyết của các thầy cô. Điều kiện ăn, ở, học hành của cháu và các học sinh ở đây rất tốt, phòng học, phòng ngủ, khu ăn uống, vệ sinh rất sạch sẽ và thoáng mát.
Những nỗ lực xây dựng nền tảng sự nghiệp giáo dục của ngành giáo dục KBang được đền đáp bằng thành quả trong dịp khai giảng năm học mới, toàn huyện sẽ có 5 trường đón chuẩn Quốc gia. Trường tiểu học Sơn Lang ở xã vùng 3 Sơn Lang là một trong 5 trường được vinh dự đón nhận trường chuẩn Quốc gia dịp này. Vào năm học mới này, nhà trường nâng tổng số học sinh theo học diện bán trú lên 100 em tăng 85 em so với năm học trước (100% học sinh DTTS) chiếm gần 30% học sinh toàn trường. Điều kiện cơ sở vật chất tuy còn khó khăn, song đội ngũ giáo viên nhà trường đã không quản ngại khó khăn nỗ lực chuẩn bị và đến thời điểm này cơ bản đã đáp ứng đủ điều kiện cho năm học mới. Cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng trường tiểu học Sơn Lang cho biết: Để chuẩn bị cho năm học mới, nhà trường đã tổ chức cho quét mới lại vôi, ve các lớp học đạt chuẩn cấp, tu bổ lại nhà ở bán trú và tuyển dụng đầy đủ lực lượng giáo viên để chuẩn bị đón 100 em học sinh bán trú về trường./.
TG tổng hợp