Thứ Tư, 27/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 24/1/2011 21:39'(GMT+7)

Các địa phương phòng, chống cháy rừng trước, trong và sau Tết

Các địa phương đang chủ động để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô sắp tới. Ảnh minh họa

Các địa phương đang chủ động để có biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô sắp tới. Ảnh minh họa

Huyện Lương Sơn, Hòa Bình hiện có 22.917 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có trên 16.000 ha diện tích có rừng. Theo đánh giá, trên địa bàn huyện Lương Sơn hiện nguy cơ cháy rừng đang ở cấp IV tức là ở cấp nguy hiểm.

Huyện Lương Sơn (Hòa Bình) xác định 10 xã trọng điểm có thể xảy ra cháy rừng gồm: Lâm Sơn, Trường Sơn, Cao Răm, Hợp Hoà, Tiến Sơn, Tân Thành, Long Sơn, Hợp Châu, Hợp Thanh và thị trấn Lương Sơn với tổng diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp 16.605,5 ha.

Hiện các xã nằm trong diện trọng điểm có nguy cơ cháy rừng của huyện đều đã làm đường băng cản lửa để ngăn cách việc cháy lây lan. Tại một số địa phương, các chủ vườn, chủ trang trại và chủ rừng lớn ở các xã, thị trấn đã xây dựng đường băng xanh cản lửa bằng các loại cây xanh có khả năng ngăn cản cháy lan, xanh quanh năm, khó bắt cháy, không rụng lá theo mùa.

Tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng nhất thiết phải có phương án bảo vệ rừng và thường xuyên tuần tra, phát dọn thực bì, cành khô làm giảm vật liệu cháy. Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức lực lượng sẵn sàng cứu chữa nếu xảy ra cháy rừng.

Hiện tỉnh Đắk Lắk có trên 266.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy, tập trung nhiều nhất ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Lắk, Krông Năng, Ea H’Leo. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã đầu tư phát dọn, làm mới, tu sửa hàng trăm km đường băng trắng, băng xanh cản lửa.

Tỉnh Đắk Lắk hình thành lực lượng phòng chống cháy rừng theo 3 cấp: cơ sở, huyện, tỉnh, củng cố 33 ban chỉ huy, 108 tổ, đội xung kích với 831 người tham gia phòng, chống cháy rừng. Đến nay đã có trên 13.638 hộ đồng bào sinh sống gần rừng, ven rừng ký cam kết không chặt phá rừng, không lấn chiếm đất rừng và không đốt lửa trong rừng.

Ngoài việc tận dụng các hồ chứa nước tự nhiên, tỉnh còn đầu tư xây dựng một hồ chứa nước dự trữ để phòng chống cháy rừng và sửa chữa, làm mới 92 chòi canh lửa, bảng dự báo cấp cháy rừng, 2.548 bảng cấm lửa, quy ước phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại các khu vực rừng dễ cháy, các chủ rừng còn thường xuyên phân công người canh gác để cấm không được mang lửa vào rừng.

Tại Hà Tĩnh, UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ rừng phải rà soát lại để có phương án cụ thể trong công tác quản lý - bảo vệ rừng. Tỉnh nhận định, trong thời gian tới, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp và khó lường, đồng thời khả năng giáp Tết Nguyên đán, tình hình vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng gia tăng. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về công tác bảo vệ rừng; có chế độ thông tin báo cáo kịp thời các vụ việc, các hành vi vi phạm.

Tỉnh Kon Tum có quy định sẽ xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng nhằm góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm 2010 - 2011 trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy rừng Vườn quốc gia Chư Mom Ray giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, tỉnh sẽ dành nguồn kinh phí hơn 21 tỷ đồng nhằm nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng, chữa cháy rừng, giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy rừng gây ra tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất