Quy hoạch đặt mục tiêu, vùng Tây Nguyên hình thành vùng tập trung phát triển các ngành kinh tế chủ lực như sản xuất nông - lâm nghiệp hàng hóa lớn, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ xuất khẩu; đồng thời, phải gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ an ninh quốc phòng, tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa đặc trưng.
Về tính chất, nhiệm vụ quy hoạch xác định vùng Tây Nguyên là vùng kinh tế động lực của cả nước về nông, lâm nghiệp, khai thác - chế biến khoáng sản bauxit và vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là phát triển thủy điện, thủy lợi. Đây cũng là vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp chủ lực cà phê, hồ tiêu, cao su phục vụ xuất khẩu; vùng sản xuất rau, hoa công nghệ cao phục vụ xuất khẩu; là vùng đầu mối, cửu ngõ giao thông về đường bộ, đường hàng không phía Tây của Tổ quốc, đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại du lịch của các nước tiểu vùng sông Mêkông và vùng biển Đông. Mặt khác, Tây Nguyên là vùng bảo tồn bản sắc văn hóa lịch sử đặc trưng lâu đời với các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa nhân văn, sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng cấp quốc gia và quốc tế;...
Về tổ chức thực hiện, Cơ quan quản lý Dự án: UBND các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng . Cơ quan chỉ đạo tổ chức lập Quy hoạch: Bộ Xây dựng. Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng. Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện: không quá 18 tháng, kể từ ngày Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt./.
TN