Thứ Tư, 27/11/2024
Chính sách
Thứ Hai, 17/1/2011 21:36'(GMT+7)

Xây dựng cơ sở dữ liệu về giảm nghèo

 Ưu tiên tối đa cho vùng đặc biệt khó khăn

Theo Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm nhanh từ 22% năm 2005 xuống còn 11,3% năm 2009 và còn 9,45% năm 2010, bình quân mỗi năm giảm 2 -3%.

Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đã đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ hộ nghèo ở 62 huyện chỉ còn khoảng khoảng 38%, (mục tiêu Nghị quyết 30a đề ra năm 2010 là giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%).

Giai đoạn 2006 – 2010 đã có khoảng 6,2 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn với mức vay bình quân 7-8 triệu đồng/lượt/hộ; 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm.

2.500 công trình hạ tầng phục vụ sản xuất được đầu tư ở 273 xã đặc biệt khó khăn, bình quân 9,15 công trình/xã; 52 triệu lượt hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 500.000 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở...

Người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các nguồn lực kinh tế như: vốn, đất đai, công nghệ…) và các dịch vụ xã hội cơ bản: giáo dục, y tế, nước sạch. Cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường, đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành LĐTBXH, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo vẫn còn rất lớn (70% - 80%), tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao (7% - 10).

Vì vậy, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 sẽ được triển khai thống nhất, toàn diện, thể hiện quyết tâm giành ưu tiên giảm nghèo đối với những vùng khó khăn nhất (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số).

Các địa bàn này sẽ được hưởng các chính sách giảm nghèo đặc thù phù hợp với thực tiễn địa phương, ưu tiên đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền.

Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo

Theo kết quả Tổng điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới dự kiến áp dụng từ năm 2011 của 62/63 tỉnh, thành (trừ TP Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ không tổ chức tổng điều tra vì đã áp dụng chuẩn nghèo riêng cao hơn chuẩn quốc gia), tổng số hộ nghèo của cả nước khoảng 3,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 15,25%); tổng số hộ cận nghèo khoảng 1,8 triệu hộ (chiếm tỷ lệ 8,58%).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai nhằm tăng nhanh hộ giàu, giảm mạnh hộ nghèo, khuyến khích hộ nghèo tự lực thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Năm 2011, Bộ LĐTBXH sẽ hoàn thành việc điều tra, đánh giá, xác định hộ nghèo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giảm nghèo và lập sổ theo dõi hộ nghèo đến từng huyện, xã, ấp để làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch theo dõi, giám sát và đánh giá những hộ thoát nghèo.

Đặc biệt, sẽ phân cấp mạnh cho cấp cơ sở, tổ chức bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo tại cộng đồng dân cư đảm bảo công khai, công bằng, phản ánh đúng thực trạng nghèo trên địa bàn.

Căn cứ vào chuẩn nghèo mới, các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm triển khai xây dựng và thực hiện chính sách, chương trình, dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ một cách cụ thể, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chung về giảm nghèo của Chính phủ./.


Theo Chỉ thị số 1752/CT-TTg ngày 21/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 được xác định: Những hộ có thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực nông thôn) và bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống (khu vực thành thị) là hộ nghèo.

Hộ cận nghèo là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng (khu vực nông thôn) và từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng (khu vực thành thị). 


Theo Chinhphu.vn
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất