Thứ Bảy, 27/7/2024
Xã hội
Thứ Ba, 21/5/2019 10:58'(GMT+7)

Các địa phương quyết liệt chống dịch tả lợn châu Phi

Tiêu hủy lợn bị bệnh. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Tiêu hủy lợn bị bệnh. (Ảnh: Báo Lào Cai).

Ngày 19/5, tỉnh Lào Cai phát hiện thêm một ổ DTLCP tại xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên. Ngoài tiêu hủy số lợn bị bệnh, UBND huyện Bảo Yên đã chỉ đạo xã Bảo Hà thực hiện các biện pháp ngăn chặn không để dịch lây lan.

Đồng thời huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung cao độ cho công tác phòng, chống DTLCP: Tăng cường lực lượng tại 3 chốt kiểm soát, tăng cường các tổ công tác chống dịch của xã; khoanh vùng ổ dịch tại điểm đã xuất hiện ổ dịch, khống chế không để lây lan. Các xã rà soát lại tổng đàn lợn và yêu cầu các hộ chăn nuôi, kinh doanh cam kết không giết mổ, kinh doanh lợn bệnh, lợn chết, lợn không có nguồn gốc xuất xứ…

Trước diễn biến phức tạp và có khả năng DTLCP lây lan nhanh trên địa bàn, UBND tỉnh Lào Cai đã ra văn bản chỉ đạo khẩn, yêu cầu các ngành, địa phương huy động tối đa lực lượng phòng chống dịch, kiểm soát chặt chẽ hạn chế dịch bệnh lan rộng.

Tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trọng điểm trên toàn tỉnh có gần 20 chốt kiểm dịch được lập, kiểm soát chặt chẽ mọi phương tiện ra vào địa bàn. Tỉnh đề nghị Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam phối hợp kiểm soát vận chuyển gia súc trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Tại tỉnh Quảng Nam, DTLCP đã lây lan ra 7 thôn của 3 xã Duy Hải, Duy Nghĩa và Duy Thành (huyện Duy Xuyên). Trước diễn biến nhanh của dịch, ngày 20/5, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn chỉ đạo chính quyền các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện nay, các địa phương có dịch đã thành lập các đội xử lý ổ dịch để triển khai nhanh việc thu gom, tiêu hủy lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh. Công tác phun thuốc tiêu độc khử trùng cũng được thực hiện thường xuyên để hạn chế sự lây lan, phát tán của dịch.

Bên cạnh đó, chính quyền các xã tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở kịp thời phát hiện, khai báo dịch bệnh, không chữa bệnh cho lợn trên địa bàn đã xuất hiện dịch; không sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn chưa qua nấu chín để nuôi lợn.

Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam đã cấp phát 10 tấn hóa chất do Trung ương hỗ trợ về cho các địa phương. Hiện tại, trong kho của đơn vị còn 5 tấn hóa chất sẵn sàng cung cấp bổ sung cho huyện Duy Xuyên và các địa phương lân cận để tiến hành phun khoanh vùng, khống chế dịch lan rộng.

Đối với địa phương chưa có dịch, ngành thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi có nuôi lợn thịt khỏe mạnh từ 45 kg trở lên xuất bán để giảm bớt tổng đàn lợn. Tỉnh Quảng Nam cũng đang tuyên truyền cho người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc rõ ràng.

Tại tỉnh Bến Tre, ngành thú y tỉnh củng cố công tác thú y tuyến huyện, xã; tăng cường theo dõi, giám sát lâm sàng đối với các đàn lợn; kịp thời phát hiện, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với lợn nghi bị bệnh DTLCP. Đồng thời, phối hợp với các huyện chăn nuôi lợn trọng điểm tiếp tục tổ chức tập huấn hướng dẫn hộ chăn nuôi biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các huyện tổ chức kiểm tra tại các vùng chăn nuôi lợn trọng điểm để có giải pháp cụ thể và tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Tại 235 điểm giết mổ và 1 lò giết mổ tập trung đều có bố trí nhân viên thú y kiểm soát giết mổ.

Năm 2019, tỉnh Bến Tre dành gần 5 tỷ đồng cho công tác phòng, chống DTLCP. Đến nay, tỉnh đã lập 8 chốt kiểm soát tạm thời dịch bệnh động vật trên cạn cấp tỉnh và cấp huyện. Các chốt được thành lập thực hiện kiểm soát và tiêu độc khử trùng 100% xe vận chuyển gia súc nhập tỉnh, đi ngang qua tỉnh.

Phun hóa chất khử trùng xung quanh chuồng trại chăn nuôi lợn. (Ảnh: Báo Gia Lai).

Trước tình hình DTLCP xuất hiện tại 2 tỉnh lân cận là Bình Phước, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh biên giới ở Campuchia, tỉnh Tây Ninh đã chuyển trạng thái từ phòng bệnh sang chuẩn bị sẵn sàng chống dịch; đồng thời áp dụng các biện pháp cấp bách và quyết liệt hơn để ngăn chặn dịch bệnh và kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra trên địa bàn, tránh để dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã có công văn chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo phòng chống bệnh DTLCP, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Yêu cầu UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo các chốt kiểm dịch, nhất là các chốt kiểm dịch giáp ranh với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các cửa khẩu, biên giới… tăng cường hoạt động, kiểm soát 100% số lượng lợn sống nhập từ các tỉnh giáp ranh vào địa bàn phải có nguồn gốc rõ ràng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như nhập lợn không có giấy kiểm dịch, nhập lợn trong vùng dịch…

UBND các xã, phường, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng việc xử lý ổ dịch để không bị động, lúng túng khi có dịch xảy ra trện địa bàn quản lý; chuẩn bị đầy đủ vật tư, dụng cụ xử lý khi có lợn bị tiêu hủy như bình phun thuốc sát trùng, hóa chất, vôi bột…

Đồng thời, các xã cần tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh; vận động người dân không sử dụng thức ăn thừa để nuôi lợn, nếu có phải qua xử lý nhiệt; quản lý chặt hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn, rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ lậu; giám sát tất cả các phương tiện và nguồn lợn nhập tỉnh, nhất là tại các lò mổ, nếu phát hiện nguồn lợn nhập tỉnh tại lò mổ có dấu hiệu dịch bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời và dừng ngay hoạt động giết mổ của cơ sở này.

Hiện nay, bên cạnh nguồn lợn sống tại chỗ cung cấp cho các lò giết mổ trong tỉnh, mỗi ngày tỉnh Tây Ninh phải nhập từ các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước khoảng 500 con lợn thịt để đưa về giết mổ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Đây là mối nguy cơ chính DTLCP có khả năng xâm nhập vào đàn lợn trong tỉnh, nếu không được kiểm soát chặc chẽ.

Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tom, ngành chức năng cũng đang triển khai nhiều biện pháp đối phó với DTLCP, trong đó, chú trọng vào giám sát dịch và ngăn chặn dịch lây lan vào địa bàn thông qua con đường vận chuyển, buôn bán, tiêu thị sản phẩm thịt lợn từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch như thành lập 2 tổ ứng phó nhanh để kiểm soát về dịch bệnh, giám sát tình hình dịch bệnh.

Tại 3 trạm kiểm dịch động vật, lực lượng thú y cùng phối hợp với cảnh sát giao thông, quản lý thị trường thường trực 24/24 giờ, kiểm soát chốt chặn, kiểm tra, phun hóa chất khử trùng, tiêu độc các phương tiện xe khách, xe chở gia súc, gia cầm từ các tỉnh thành khác lưu thông qua địa bàn tỉnh. Tại các cơ sở giết mổ, các đơn vị chức năng tập trung kiểm soát chặt chẽ đầu vào, ra của sản phẩm, cũng như tiến hành vệ sinh, tiêu độc.

Song song với việc kiểm soát tại các trạm đầu mối giao thông vào tỉnh Kon Tum, tại các cơ sở giết mổ, chăn nuôi cũng được kiểm soát gắt gao: Hàng tuần tổ chức phun thuốc, rắc vôi tại các truồng trại nơi nuôi nhốt cũng như cổng ra vào phun thuốc và vôi khử trùng. Trước cổng ra vào nhập xuất từ gia súc vào và sản phẩm thịt từ gia súc đưa ra cũng được kiểm soát gắt gao. /.

(VGP)

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất