Thứ Bảy, 28/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 7/10/2010 22:16'(GMT+7)

Các đồng chủ nhân giải Nobel Vật lý và Hóa học 2010

Các đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học. Ảnh: TTXVN

Các đồng chủ nhân giải Nobel Hóa học. Ảnh: TTXVN

Ngày 6/10, 3 nhà khoa học đã được trao giải Nobel Hóa học 2010 vì có công tìm ra cách thức liên kết các phân tử carbon để từ đó tạo ra các hợp chất được ứng dụng trong nghiên cứu điều trị bệnh ung thư, bào chế dược phẩm, công nghiệp điện tử và nông nghiệp.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét, bằng cách sử dụng chất xúc tác palladium, các nhà khoa học đã liên kết chéo được các phân tử carbon theo cặp (palladium-catalysed cross-coupling) trong tổng hợp hữu cơ, tạo ra các hợp chất ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Công trình của họ rất có ý nghĩa khi con người đang rất cần các loại thuốc mới để chữa trị ung thư, ngăn chặn sức tàn phá của virus ung thư đối với nội tạng cũng như cần bảo vệ mùa màng.

Ông Richard Heck, 79 tuổi, Giáo sư  Trường Đại học Delaware (Mỹ). Ông Eiichi Negishi, 75 tuổi, giảng dạy tại Trường Đại học Purdue (Mỹ) và ông Akira Suzuki, 80 tuổi, làm việc tại Trường Đại học Hokkaido (Nhật Bản).

Trước đó, ngày 5/10, Ủy ban Giải thưởng Nobel công bố 2 nhà khoa học cùng sinh ở Nga là Andre Geim và Konstantin Novoselov đồng sở hữu giải thưởng Nobel Vật lý 2010 vì họ là những người đầu tiên chứng minh được rằng graphen, một dạng carbon, là chất mỏng và khỏe nhất được tìm thấy từ trước đến nay.

Phát hiện này có thể giúp tạo ra vật liệu mới, mở ra bước đột phá trong ngành công nghiệp Điện tử. 

Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố: Những thử nghiệm với graphen có thể dẫn tới sự ra đời của những sản phẩm điện tử mới. Nhờ đặc tính trong suốt và dẫn điện tốt, graphen là vật liệu lý tưởng để sản xuất màn hình cảm ứng trong suốt, các tấm bảng phát sáng và thậm chí cả pin năng lượng mặt trời.

Graphen có nguồn gốc từ graphite (than chì). Màng graphen chỉ dày bằng bề dày của 1 nguyên tử carbon. Đây là chất liệu mỏng nhất hiện nay.

Graphen còn cứng hơn cả kim cương và cực bền nên nó hứa hẹn sẽ tạo nên hàng loạt bước đột phá trong cuộc cách mạng công nghệ nano, vi điện tử, cảm biến và các công trình nghiên cứu cơ bản về vật lý lượng tử. Một đặc tính tuyệt vời nữa của graphen là nó hoàn toàn không để cho không khí lọt qua. Nhờ đó, loại vật liệu này sẽ được sử dụng nhiều hơn trong ngành công nghiệp đóng gói thực phẩm và một số lĩnh vực khác.

Graphen là chủ đề nghiên cứu nóng bỏng của ngành điện tử và bán dẫn bởi nó có tính dẫn điện cao và hơn hết theo như phỏng đoán thì với kích thước càng nhỏ, hiệu quả hoạt động của nó càng cao. Hiện nay, công nghệ bán dẫn dùng cát để tạo nên các bộ vi xử lý. Những hãng sản xuất máy tính lớn rất muốn giảm kích thước của vi mạch điện tử xuống còn khoảng 10 nano mét (nhỏ hơn 10.000 lần so với sợi tóc người).

Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, sẽ rất khó thực hiện các vi mạch với kích thước nhỏ hơn 10 nano mét, bởi ở giới hạn này đã bắt đầu xuất hiện sự rò rỉ electron. Do đó, từ khi graphen xuất hiện, các nhà khoa học kỳ vọng cho đến năm 2020, con người tìm thấy được vật liệu có thể thay thế silicon. Như vậy, vật liệu graphen đã mở ra hy vọng cho ngành Điện tử vượt qua rào cản này.

Theo Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất