(TG) - Chiều 10/7, tại Hà Nội, Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày thương binh liệt sĩ tổ chức họp báo công bố các hoạt động cấp Trung ương sẽ được diễn ra trong cả nước.
Dự họp báo có đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày thương binh liệt sĩ; đồng chí Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Lâm Phương Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cùng dại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: 70 năm qua (1947-2017) công tác thương binh - liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt những thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, tuyệt đại bộ phận người có công và thân nhân người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Đại đa số người có công được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng; các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh hỗ trợ đời sống cho gia đình người có công.
Đặc biệt, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người Việt Nam có công, người tham gia khánh chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng Việt Nam đã định cư ở nước ngoài cũng đã được quan tâm, xem xét giải quyết; chỉ có một bộ phận nhỏ người có công chưa được xác nhận do thiếu các căn cứ, giấy tờ gốc để xác nhận, các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai các giải pháp giải quyết vấn đề này.
Trước việc còn tồn đọng khá lớn hồ sơ kê khai song chưa được xác nhận có công, nhất là 5.900 hồ sơ kê khai liệt sĩ, thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2016, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chủ động tổ chức triển khai việc thí điểm giải quyết hồ sơ tồn đọng tại 5 tỉnh, thành phố gồm: Lai Châu, Bắc Kạn, Thái Bình, Long An và Thành phố Đà Nẵng theo quy trình “cá biệt” với cách làm cởi mở, thông thoáng lấy cơ sở là nhân dân, là các bậc lão thành, dựa vào cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức xã hội với sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và công khai, minh bạch trong dân, trên các phương tiện thông tin.
|
Các sĩ quân y Trung đoàn 692 (Sư đoàn Bộ binh 301) khám bệnh, cấp thuốc miễn phí
cho đối tượng chính sách phường Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. (Ảnh: Sáng Cường) |
Cũng tại họp báo, Ban tổ chức cấp quốc gia các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày thương binh liệt sĩ đã công bố chương trình kỷ niệm cấp Trung ương, bao gồm 18 hoạt động chính như sau:
1. Trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Theo đó, Ban Cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH đã trình Ban Bí thư Trung ương Đảng Ban hành Quyết định số 84-QĐ/TW ngày 22/5/2017 thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng.
Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của Ban Cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đoàn và các tỉnh ủy, thành ủy vể tổng kết Chỉ thị số 07/CT-TW, kết quả khảo sát tình hình tổng kết tại các địa phương, Ban Chỉ đạo đề án và Ban Cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn thiện trình Ban Bí thư Đề án về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng với nhiều giải pháp thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu.
2. Tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc 7g30 ngày 27/72017. Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ vào 9 giờ 30 ngày 27/7 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia…
3. Tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, thành phố Hà Nội vào ngày 26/7/2017 (với quy mô gần 1.300 đại biểu, trong đó 700 đại biểu là người có công với cách mạng). Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đối với 70 đại biểu…
4. Tổ chức cầu truyền hình vào 20g00 ngày 26/7/2017 (trực tiếp trên VTV1) tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng tại 4 điểm cầu Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị và Thái Nguyên chủ đề “Dáng đứng Việt Nam”, Địa điểm truyền hình trực tiếp: Tại Hà Nội: Tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn; tại Thái Nguyên: Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7; tại Quảng Trị: Thành Cổ; tại thành phố Hồ Chí Minh: Đền thờ bến Dược. Chương trình có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự các điểm cầu.
5. Tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc: Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với các địa phương chuẩn bị mọi điều kiện đảm bảo công tác tổ chức thực hiện chương trình. Đồng thời, tổ chức chính tại 4 điểm: Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang; Nghĩa trang đồn Tân Biên, Tây Ninh, Nghĩa trang liệt sĩ tại Côn Đảo; Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
6. Tổ chức hoạt động tri ân liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia: Đặt hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào và Campuchia.
7. Các tỉnh, thành phố - nơi có nhà tù của đế quốc (Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hà Nội, Sơn La,… ) căn cứ vào điều kiện cụ thể, chủ trì phối hợp với Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày tổ chức Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hi sinh trong nhà tù đế quốc.
8. Tổ chức Kỷ niệm truyền thống 45 năm sự kiện Thành cổ và chương trình nghệ thuật “Linh thiêng Thành cổ” : Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 chủ trì, tổ chức với sự có mặt của 500 đại biểu là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tham gia chiến dịch 81 ngày đêm - Thành cổ Quảng Trị vào ngày 20/7/2017 tại Quảng Trị. Dự kiến, tại Lễ Kỷ niệm, Ban tổ chức trao tặng 150 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng.
9. Phát động vận động, xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Ngày 27/4/2017, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý quỹ Đền ơn đáp nghĩa tổ chức Lễ phát động đợt cao điểm vận động hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ…
10. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan văn nghệ với chủ đề “Màu hoa đỏ” trong đoàn viên thanh niên; phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát động phong trào mỗi đoàn viên thanh niên, mỗi cán bộ công chức ngành LĐ-TB&XH làm một việc tốt, giúp đỡ ít nhất 1 gia đình, 1 người có công với cách mạng nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ và người có công với cách mạng.
11. Phát hành các tác phẩm âm nhạc về đề tài thương binh - liệt sĩ và tổ chức tuần lễ phim về thương binh, liệt sĩ và người có công. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát hành tài liệu, sử dụng các tác phẩm có nội dung về đề tài thương binh, liệt sĩ, người có công đạt giải tại các cuộc thi sáng tác âm nhạc trong thời gian qua để tuyên truyền trong cả nước, đồng thời tổ chức tuần lễ phim về chủ đề này từ 24-30/7/2017.
12. Hội Nhà văn Việt Nam: Phát động cuộc vận động sáng tác các thể loại truyện ngắn, truyện thơ, bút ký, hồi ký...; tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học tôn vinh người có công với cách mạng. Ban Tổ chức đã nhận được 806 tác phẩm tham dự cuộc thi và sau các vòng sơ khảo, chung khảo đã lựa chọn 41 tác phẩm để trao giải vào 14g00 ngày 17 tháng 7 năm 2017 tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, Hà Nội.
13. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Ban Chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch mời các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm tặng quà tại Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương khác trong cả nước.
14. Tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh tại cấp tỉnh, phấn đấu đến hết năm 2017 giải quyết căn bản đối với hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Kết quả: Đến cuối tháng 6/2017 Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng công nhận 498 liệt sĩ và ngày 7/7/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 989/QĐ-TTg công nhận 498 liệt sĩ. Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân các liệt sĩ tổ chức vào chiều ngày 18/7/2017 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
15. Tiếp tục triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí 11.568 tỷ đồng hỗ trợ trên 410.000 hộ gia đình chính sách người có công sửa chữa xây dựng nhà ở mới, phấn đấu đến hết năm 2018 giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ theo kết quả rà soát.
16. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
17. Các hoạt động Tuyên truyền: Ban Tuyên giáo Trung ương đã có Kế hoạch hướng dẫn công tác tuyên truyền; Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ. Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương xây dựng và phát sóng bộ phim “70 năm trọn nghĩa vẹn tình”.
18. Một số hoạt động kỷ niệm 70 năm do các tổ chức Hội, trung tâm thực hiện: Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức chương trình Hành trình “Theo bước chân những người anh hùng” tại cấp Trung ương, địa phương và nước ngoài; tổ chức chăm lo các mẹ Việt Nam anh hùng, triển khai hoạt động Đền ơn đáp nghĩa thông qua chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh 2017”,...Tổ chức chương trình Đại hoa Đăng trên sông Thạch Hãn. Ngày 21/7/2017, tổ chức lễ cầu siêu với sự tham dự 10.000 người…
Năm 2002, cả nước đã xác nhận được trên 6 triệu người, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó: Liệt sĩ gần 1,2 triệu người (năm 2002 là khoảng 1,1 triệu người); Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên 127.000 (năm 2002 là khoảng 42.500 bà mẹ); Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân, Anh hùng lao động gần 1.300 người (năm 2002 là gần 1.200 người); Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh gần 800.000 người (năm 2002 là khoảng 400.000 người); Người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học gần 312.000 người (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đói tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người); Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày gần 111.000 người (năm 2002 là khoảng 53.400 người). |
Duy Phong