Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cảnh báo động thái mới đây của Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự.
Trả lời báo giới ngày 16/10 trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng EU, Ngoại trưởng Gabriel bày tỏ quan ngại rằng quyết định của Tổng thống Mỹ có thể dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự với Iran.
Ngoại trưởng Gabriel cũng cho biết ông sẽ thảo luận với các đồng nghiệp trong EU để tìm cách cứu vãn thỏa thuận này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhấn mạnh quyết định bác bỏ thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Trump không đáp ứng kỳ vọng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng như không phù hợp với những tuyên bố của nguyên thủ các nước Đức, Anh và Pháp. Ông nhấn mạnh Pháp "hy vọng Quốc hội Mỹ không gây tổn hại cho thỏa thuận này.”
Trong khi đó, cho rằng thỏa thuận trên đảm bảo “sự an toàn của thế giới”, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cũng bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ nhận ra điều này và đưa ra quyết định đúng đắn.
Về phần mình, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini đánh giá thỏa thuận hạt nhân với Iran đang đạt tiến triển, cho rằng đây là thỏa thuận cần thiết vì an ninh của các nước. Bà kỳ vọng các ngoại trưởng EU sẽ thể hiện mạnh mẽ tinh thần đoàn kết và ủng hộ các bên liên quan thực thi đầy đủ thỏa thuận lịch sử này.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Trump ngày 13/10 tuyên bố không xác nhận Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA ký dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Như vậy, một lần nữa, Tổng thống Trump lại "nhường" quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội Mỹ hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận vốn đã được dỡ bỏ để đổi lại việc Iran hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ cũng như Nga và nhiều tổ chức quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những ảnh hưởng tiêu cực nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ.
Giới chức cấp cao Mỹ ngày 15/10 cho biết vào thời điểm hiện tại, nước này sẽ duy trì JCPOA bất chấp Tổng thống Trump chỉ trích và đe dọa có thể rút khỏi thỏa thuận này./.
Theo TTXVN