Thứ Hai, 25/11/2024
Khoa học, công nghệ
Chủ Nhật, 29/1/2017 12:25'(GMT+7)

Các nhà khoa học mong muốn không phải “vật vã” lo mua hóa đơn

Các nhà nghiên cứu khoa học là những người làm việc thầm lặng nhưng những đóng góp trong nghiên cứu của họ lại vô cùng quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Mỗi công trình nghiên cứu thiết thực của các nhà khoa học khi được ứng dụng vào thực tế cuộc sống sẽ mang lại lợi ích kinh tế-xã hội vô cùng to lớn. Vì vậy, trọng dụng và phát huy trí tuệ của các nhà khoa học sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển.

Nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017, chúng ta hãy cùng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các nhà khoa học.

Làm sao để các nhà khoa học không phải vật vã lo mua hóa đơn

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học không nhiều nên nhiều nhà khoa học đã phải tự ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm và cố gắng đưa những công nghệ mới về nước ứng dụng.

mong uoc cua cac nha khoa hoc hinh 1
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Bình

Trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế, các nhà khoa học trong nước đã phải bằng các mối quan hệ với bạn bè quốc tế hỗ trợ họ từng phần một và kêu gọi sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia ủng hộ để có được những thiết bị hiện đại, vật liệu tốt sử dụng trong nghiên cứu khoa học.

Tại một hội nghị mới đây với Bộ Khoa học & Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói là chúng ta làm sao “đừng để các nhà khoa học phải vật vã lo mua hóa đơn”.

Là người chuyên nghiên cứu khoa học, tôi rất cảm ơn Thủ tướng đã hiểu được những khó khăn mà các nhà khoa học đang gặp phải. Tôi mong các cơ quan Nhà nước giảm bớt các thủ tục thanh toán rườm rà, mất thời gian khi làm giấy tờ, đừng để các nhà khoa học phải “vật vã” lo mua hóa đơn. Thời gian đó để họ chuyên tâm nghiên cứu, phát hiện ra các công trình mới, phục vụ thiết thực cho đời sống xã hội và sự phát triển của đất nước sẽ tốt hơn.

Mong phát huy các công trình nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống

Giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa - người đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V cho rằng: Hiện nay, nhiều cơ sở, trung tâm nghiên cứu có thiết bị, máy móc không được đầy đủ như nhiều nước trên thế giới nên các nhà khoa học khó có thể phát huy được sự sáng tạo.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cơ quan, ban ngành của Nhà nước có những cơ chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị hay tạo cơ hội cho các nhà khoa học có cơ hội tiếp cận, học hỏi thành tựu khoa học công nghệ ở nhiều nước phát triển trên thế giới.

mong uoc cua cac nha khoa hoc hinh 2
Giáo sư, tiến sĩ Mai Trọng Khoa

Ví dụ trong lĩnh vực y tế, nếu các y, bác sĩ tiếp cận và làm chủ được những công nghệ hiện đại vào khám chữa bệnh thì sẽ cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn.

Các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học có thể mời các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, truyền đạt kinh nghiệm về các lĩnh vực hay thành quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả cho các tài năng khoa học trẻ...

Còn đối với nhà khoa học Hoàng Đức Thảo - nhà khoa học đầu tiên trong khối doanh nghiệp được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016, hiện nay, khó khăn và thách thức lớn nhất đối với các nhà khoa học là các công trình nghiên cứu khoa học được phát huy và đầu tư ứng dụng vào trong thực tiễn phục vụ cuộc sống kinh tế-xã hội và đời sống của người dân.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng mong muốn các công trình nghiên cứu, bằng sáng chế khi được ứng dụng ở trong nước hay đưa ra nước ngoài được bảo hộ, không bị làm nhái và xâm phạm bản quyền./.

Theo VOVnews



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất