Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 4/7/2011 10:29'(GMT+7)

"Các nhà" phải gắn kết

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Thậm chí, dự báo từ quý III đến cuối năm, tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ trở nên trầm trọng.

Phải chăng, ấy là một nghịch lý? 

Vâng, nếu chỉ nhìn vào thực trạng, thì đó có thể coi là nghịch lý. Nhưng nếu nhìn sâu vào bản chất sự việc và nhìn xa hơn về vấn đề quy hoạch thì lại không hẳn là nghịch lý. Theo phản ánh của nhiều hộ nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, các doanh nghiệp đã “đi đêm” với nhau nhằm kéo giá thu mua nguyên liệu xuống. Doanh nghiệp thì cho rằng, chính người nuôi tự làm khó cho mình, bởi thời điểm giá cao không chịu bán mà cố “găm hàng” chờ tăng thêm. Đến lúc giá sụt thì tranh nhau bán, trong khi cá đã quá lứa nên doanh nghiệp không thể thu mua. Không những thế, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, thời gian qua các doanh nghiệp luôn ám ảnh chuyện bị động về nguyên liệu nên đã ra sức đầu tư xây dựng vùng nuôi cá riêng. Đến nay, nhiều nhà máy chủ động được từ 30% đến 40% lượng nguyên liệu trở lên và tới đây sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm.

Không những doanh nghiệp và hộ cung cấp nguyên liệu không tìm được tiếng nói chung mà ngay bản thân giữa các doanh nghiệp cũng nảy sinh không ít vấn đề về cạnh tranh không lành mạnh. Đã và đang có những doanh nghiệp hạ giá xuất khẩu thấp hơn giá sàn nhằm giành giật hợp đồng xuất khẩu. Hộ nuôi cá không bán được cá có thể dẫn tới tình trạng phá sản. Doanh nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất có thể bị thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận. Sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường xuất khẩu có thể ảnh hưởng tới cả ngành thủy sản. Và, bên cạnh những hậu quả ấy, là hậu quả mang tầm vĩ mô - giá trị xuất khẩu của cả nền kinh tế có thể giảm sút vì thủy sản vốn là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Xét trong từng trường hợp cụ thể thì người nuôi, doanh nghiệp đều có thể có lỗi. Nhưng thực tế, những lỗi ấy đều xuất phát từ một cái lỗi lớn hơn. Đó là thiếu một bản quy hoạch tổng thể thống nhất từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến và xuất khẩu. Và quan trọng nữa là sự liên kết giữa "nhà nông" và "nhà doanh nghiệp".

Về quy hoạch, trước hết, cần quy hoạch tổng thể về vùng nuôi, sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Quy hoạch này phải được dựa trên những dự báo chính xác về nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết. Hộ nuôi cá nhận được sự hỗ trợ về vốn, giống, thức ăn và kỹ thuật từ phía doanh nghiệp. Nguyên liệu sản xuất ra được doanh nghiệp thu mua theo giá hợp lý, tức là, người nuôi phải có lãi. Đáp lại, hộ nuôi phải đảm bảo cung cấp nguyên liệu theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với những hộ nuôi tự do, việc đầu tư cũng cần nằm trong quy hoạch chung của vùng sản xuất nguyên liệu. Bởi có thế, mới không xảy ra tình trạng lúc thừa, khi thiếu nguyên liệu. Còn về mối quan hệ doanh nghiệp - doanh nghiệp, doanh nghiệp - nông dân cần phải hướng tới mục đích vì lợi ích chung của nền kinh tế. Có như thế, mới không xảy ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây thiệt hại mọi nhẽ.

Đã đến lúc nghề cá phải mạnh dạn thay đổi. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính, phải được đẩy mạnh. Về lâu dài phải phát triển toàn diện mô hình nuôi trang trại để dễ kiểm soát đầu vào - đầu ra, nhất là vấn đề môi trường nhằm tránh những xuyên tạc của một số nước trên thế giới như đã từng xảy ra. Và xa hơn nữa, nghề cá phải tiếp tục mở rộng sản xuất, chiếm lĩnh ngày càng nhiều thị trường xuất khẩu, nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cả nền kinh tế./.

(Theo: Sĩ Bình/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất