Sau 2 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 42, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X đã bế mạc. Các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị.
Trung tâm kinh tế có hiệu quả cao của cả nước
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 – 2020). Qua thảo luận, các ý kiến nêu rõ TPHCM tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và có đóng góp phù hợp, thể hiện ở việc duy trì tăng trưởng cao hơn cả nước. Đối với từng ngành thì công nghiệp TP chiếm 15% cả nước, đứng đầu cả nước. Về dịch vụ, giá trị gia tăng dịch vụ cũng chiếm 33% cả nước, đứng đầu cả nước. TPHCM cũng giữ vững đầu tàu về đóng góp ngân sách cả nước. Vị trí trung tâm kinh tế và phấn đấu vượt trội của TP cũng thể hiện ở thu hút đầu tư, trong đó đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước; năng suất lao động vẫn giữ mức vượt trội.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM cũng có những mô hình kinh tế có hiệu quả đi đầu cả nước. Đó là Khu công nghệ cao, 5 năm qua đóng góp ít nhất 1 tỷ USD cho ngân sách. Công viên phần mềm Quang Trung 5 năm qua xuất khẩu 1,6 tỷ USD với số người làm việc chỉ hơn 10.000 người. TPHCM đang triển khai Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và là địa phương đầu tiên thực hiện đô thị thông minh và mô hình mới là công bố chương trình số hóa TPHCM.
“Nhìn lại 5 năm qua trong tương quan 25 năm phát triển và so sánh với các địa phương khác thì TPHCM thể hiện được vai trò đầu tàu và tính vượt trội của kinh tế trong một số lĩnh vực.” – Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đối với các dịch vụ hạ tầng phục vụ người dân TP, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tuy còn những hạn chế nhưng qua 5 năm qua đều có tiến bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng thẳng thắng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của TP. Đó là bố trí cơ cấu sử dụng đất không hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tế của TP. Tính hấp dẫn môi trường kinh doanh, nhất là hấp dẫn doanh nghiệp còn hạn chế. Hợp tác vùng triển khai còn ít, chỉ có năm 2019 đến nay đẩy mạnh việc này, về du lịch mới liên kết với Đông Nam bộ.
Đối với liên kết về giao thông, TP mới phối hợp cùng tỉnh Tây Ninh triển khai tuyến cao tốc TPHCM – Mộc Bài. Một trong những hạn chế hiện nay là hạ tầng của TP, đặc biệt là hạ tầng giao thông chậm phát triển, không đáp ứng yêu cầu phát triển của TP và đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất của TP. Bên cạnh đó, liên kết của doanh nghiệp, nhà khoa học, chính quyền hiệu quả chưa cao.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, tỷ lệ ngân sách để lại cho TP thấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của TP. Đây là thực tế mà cách đây 3 năm TPHCM báo cáo với Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị cho ý kiến khắc phục. Từ đó, TPHCM được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, để trong ngắn hạn có thể tăng thu ngân sách TPHCM. Về dài hạn là cho phép TPHCM đề xuất điều chỉnh tỷ lệ (%) ngân sách Trung ương. Sắp tới, TPHCM sẽ báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương về Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM, để tăng phần nộp về Trung ương và tăng phần thu của TPHCM.
Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, Đề án này, mới nhìn là mâu thuẫn, vì TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ để lại cho TPHCM từ 18% hiện nay lên 24%, tức phần nộp về Trung ương sẽ thấp hơn, giảm từ 82% còn 76%. Nhưng thực tế, TPHCM là trung tâm kinh tế hiệu quả cao của cả nước, có năng suất lao động gấp 2,7-2,9 lần so với cả nước. Một đồng vốn đầu tư công tại TP thu hút được 10-14 đồng vốn đầu tư của xã hội và 1 năm TPHCM có thêm 126.000 lao động. Đây là những căn cứ quan trọng, cho thấy rõ khả năng khi để lại TPHCM nhiều hơn thì thu hút vốn đầu tư xã hội đầu tư nhiều, tạo ra được sản phẩm lao động gần gấp 3 lần…
“Khi TPHCM đề xuất tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM từ 18% lên 24% thì sau 5 năm, TPHCM sẽ nộp ngân sách Trung ương nhiều hơn so với nếu TPHCM được giữ lại 18%. Trong suốt 5 tháng qua, TPHCM đã tập trung nghiên cứu, xây dựng đề án này và có các số liệu cụ thể chứng minh. Nếu TPHCM được để lại thu ngân sách tỷ lệ 24% trong giai đoạn 2021-2026 và 28% trong giai đoạn 2026-2030 thì so việc TPHCM vẫn chỉ được 18% trong 10 năm tới, phần ngân sách TPHCM nộp về Trung ương sẽ tăng thêm 345.000 tỷ đồng và ngân sách TPHCM cũng được sử dụng tăng thêm khoảng 390.000 tỷ đồng. Từ nghiên cứu, TP đã tìm ra cơ sở khoa học khẳng định để lại ngân sách cho TPHCM nhiều hơn thì TP sẽ nộp ngân sách về Trung ương sẽ nhiều hơn và TPHCM cũng thu được nhiều hơn. Tỷ lệ để lại cho TPHCM cao hơn, nhưng số tiền tuyệt đối nộp về Trung ương sẽ cao hơn trước, bản chất là do hiệu quả kinh tế của TP” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích.
Bám sát 4 chương trình đột phá, trọng điểm của TP
Về kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID – 19 đã ảnh hưởng đến kinh tế TP. TP tăng trưởng trong 6 tháng đầu nằm giữa khoảng 1%- 2%, tuy nhiên, thu ngân sách đạt 40,2%. Trong bối cảnh này đây là kết quả tốt, là tiền đề để phấn đấu đến cuối năm 2020.
Liên quan đến ảnh hưởng của dịch COVID – 19, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đã có 3.461 doanh nghiệp tại TP được hỗ trợ. Các doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn trả lương cho công nhân với số tiền 233 tỷ đồng, có kinh phí hỗ trợ trả lương cho 232.000 người lao động. Hỗ trợ để chi cho người thuộc diện chính sách khó khăn, lao động tự do gặp khó khăn tổng cộng khoảng 316 tỷ đồng cho 266.000 người. Đến nay có nửa triệu người lao động, người dân được hỗ trợ với tổng kinh phí 550 tỷ đồng. Trong số 21.000 người bán vé số đã hỗ trợ 20.500 người (đạt 96%). Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, sắp tới, UBND TP cần đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp quyết liệt hơn nữa.
Đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy đã xóa được 715/747 điểm đen về rác, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện, trong đó có Quận 4, Quận 5, Quận 9, Thủ Đức, huyện Bình Chánh quan tâm, phấn đấu trước Đại hội Đảng bộ quận huyện mình thì không còn điểm đen về rác. Đối với các quận, huyện còn đường dây thu gom rác dân lập: Quận 2, Quận 5, Quận 7, Quận 10, Quận 12, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú quyết liệt chuyển đổi các đường dây thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã, doanh nghiệp. Đối với kết quả thực hiện Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, số vụ vi phạm trật tự xây dựng tại TP đã giảm 78% so với cùng kỳ. Tuy nhiên còn 4 quận, huyện tỷ lệ giảm thấp.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đơn vị của TP tiếp tục triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19, Chỉ thị 23 có kết quả cụ thể, dứt điểm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh hoạt động chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý, với các công trình đã được đăng ký sử dụng vốn đầu tư công cần hết sức ưu tiên, cũng như các dự án doanh nghiệp đang tham gia thì phải hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện để các dự án này được triển khai phục vụ xã hội. Một trong những nội dung quan trọng là chuẩn bị tốt Đại hội Đảng các cấp. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần tăng tốc thẩm định hồ sơ nhân sự. Văn kiện Đại hội Đảng bộ các quận, huyện phải xác định được chương trình, dự án trọng điểm, các đầu việc theo 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm của TP được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI để thực hiện. Đồng thời, các quận, huyện cần lựa chọn, cụ thể hóa và triển khai thực hiện các đầu việc phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.
Theo hcmcpv.org.vn