Thứ Hai, 7/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 31/3/2012 12:46'(GMT+7)

Các quốc gia Tây Phi ra tối hậu thư với Mali

Người dân Mali biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tại nước này. (Ảnh: AP).

Người dân Mali biểu tình phản đối cuộc đảo chính quân sự tại nước này. (Ảnh: AP).

Ngày 29/3, các nước láng giềng Tây Phi của Mali đã tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ với lực lượng đảo chính Mali đang nắm giữ quyền điều hành tại quốc gia này. Đây sẽ là trừng phạt mạnh mẽ chưa từng có về kinh tế với một nước tại Tây Phi và sẽ có hiệu lực trong 72 giờ tới nếu lực lượng đảo chính Mali không chuyển giao lại quyền lực cho chính quyền dân sự.

Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi đã ra tối hậu thư với Mali, cảnh báo sẽ đóng cửa biên giới thương mại, cắt quan hệ ngoại giao và ngừng các khoản viện trợ nếu lực lượng binh sĩ đảo chính tại Mali không chuyển giao quyền lực.

Quyết định của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi đưa ra sau khi lực lượng đảo chính Mali ngăn không cho máy bay chở phái đoàn 5 nguyên thủ quốc gia khu này hạ cánh xuống thủ đô Bamako.

Phát biểu tại Abidjan, Tổng thống Cote d’Ivoire Alassane Ouattara, Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi đã khẳng định, các biện pháp trừng phạt với Mali sẽ có hiệu lực sau 3 ngày tới.

“Lệnh trừng phạt mà Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi đã nhất trí sẽ có hiệu lực sau 72 giờ tới, bắt đầu từ ngày 2/4, nếu Lực lượng đảo chính tại Mali không tôn trọng yêu cầu của nguyên thủ các nước Cộng đồng kinh tế Tây Phi. Trong đó, các tài khoản của Mali sẽ bị đóng băng, nguồn vốn hợp tác giữa Mali với Ngân hàng Phát triển châu Phi và Ngân hàng Hợp tác và Phát triển của Cộng đồng kinh tế Tây Phi cũng sẽ ngừng hoạt động. Chúng tôi cũng đã gọi Đại sứ các nước từ Mali về để tham vấn và ban hành lệnh cấm đi lại với các thành viên của lực lượng đảo chính”.

Còn theo ông Desire Ouedraogo, Chủ tịch Uỷ ban Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi, tất cả 15 nước thành viên khối này sẽ đóng cửa biên giới với Mali và không cho phép nước này sử dụng các cảng thương mại. Khối này sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để dập tắt cuộc bạo loạn.

Đây là những phạt kinh tế và thương mại nặng nề nhất mà một nước khu vực Tây Phi phải đối mặt trong nhiều năm qua. Với Mali, lệnh cấm vận này cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt gần như toàn bộ nguồn cung cấp khí đốt từ nước láng giềng Cote d’Ivoire.

Trước đó, Lực lượng đảo chính tại Mali, tự xưng là Ủy ban quốc gia vì sự chấn hưng dân chủ và khôi phục nhà nước (CNRDRE) đã thông qua một "luật cơ bản mới được soạn thảo nhằm đảm bảo chế độ pháp trị" ở quốc gia Tây Phi này. Tình hình ở thủ đô Bamako của Mali cũng đang trở lại bình thường trong những ngày qua sau khi lực lượng đảo chính dỡ bỏ lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, được áp dụng từ ngày 22/3. Các trường học, các công sở, cửa hàng tại Bamako dần mở cửa. Giao thông cũng tấp nập trở lại.

Dù cuộc đảo chính Mali không gây ra bạo lực nghiêm trọng hay nhấn chìm Mali vào khủng hoảng, nhưng có thể thấy Mali là một nạn nhân gián tiếp của khủng hoảng chính trị diễn ra tại Libya 1 năm trước đó.

Đảo chính của Mali cũng bắt nguồn từ việc các binh sĩ không bằng lòng với chính phủ, cho rằng chính phủ hiện tại không có đủ khả năng đối phó với những vấn đề phát sinh của đất nước. Trước diễn biến tình hình Mali, Mỹ cũng cảnh báo về nguy cơ bất ổn chính trị tại Mali, cũng như mối đe dọa liên tiếp của các vụ tấn công và bắt cóc người phương Tây ở khu vực này./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất