Các địa phương tiếp tục đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, thành phong trào, không hình thức, phải gắn với công việc cụ thể.
Ngày 22/11, tại Bắc Kạn, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị giao ban các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc thực hiện chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng chí Trương Hoà Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án Nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.
Đại diện 15 tỉnh tập trung phân tích tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, chỉ ra những mặt tốt, mặt còn hạn chế, lấy đó làm cơ sở gắn với "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thông qua việc giải quyết những vướng mắc, tồn tại, giải quyết mâu thuẫn xã hội qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Từ Chỉ thị 03 lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị của địa phương mình.
Đại diện các tỉnh đều có những phương pháp tiếp cận, cách làm gắn với đặc thù của tỉnh mình: Bắc Kạn gắn học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Lạng Sơn là tỉnh có đường biên và cửa khẩu với Trung Quốc, tập trung phát triển kinh tế-xã hội với phát triển kinh tế mậu biên, đảm bảo an ninh biên giới. Bắc Giang chú trọng đến việc giải quyết khiếu kiện, đơn thư về đất đai, môi trường, trật tự an toàn xã hội. Tuyên Quang phân công các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy phụ trách các xã. Quảng Ninh gắn việc thực hiện Chỉ thị 03 với việc quy hoạch hiện đại tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch vùng của tỉnh, lấy thực tiễn công việc làm tiêu chí học tập theo gương Bác. Sơn La tập trung hướng dẫn thực hiện việc trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Yên Bái xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên gắn với công việc thực tế. Yên Bái cũng xây dựng một Nghị quyết chuyên đề về Phát triển nông nghiệp, chú trọng đến các huyện đặc biệt khó khăn và làm đường giao thông nông thôn. Phú Thọ đã mời cộng tác viên đến nói chuyện trực tiếp trên truyền hình về những việc làm cụ thể của Bác, ghi vào đĩa để cho các địa phương từ thôn, bản xem lại, vừa dễ hiểu, dễ làm theo. Lãnh đạo phải học và làm theo tấm gương đạo đức của Người để người dân học và làm theo. Lai Châu cũng đã mời cộng tác viên có uy tín đến nói chuyện tại nhiều cuộc họp của người dân, gắn phát triển với bảo đảm an ninh chính trị, đặc biệt là an ninh nông thôn, trong cộng đồng người Mông. Thái Nguyên mỗi cán bộ, đảng viên đều lựa chọn một công việc cụ thể để làm theo tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Với Điện Biên, các tấm gương tốt trong học tập và làm theo Bác ngoài tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, còn được tuyên dương trong các hội nghị, kể cả các cuộc họp chi bộ...
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các tỉnh đã nhận thức đúng, đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị; tập trung vào những công việc cụ thể; thành lập được các cơ quan giúp việc. Nhiều nơi đã chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa phù hợp với địa phương, lựa chọn các vấn đề bức xúc nổi cộm để giải quyết; hướng dẫn kiểm tra và tự kiểm tra việc thực hiện của cán bộ, đảng viên. Nhiều mô hình tốt, ý nghĩa được thực hiện tại nhiều địa phương. Đồng chí lưu ý, các địa phương đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành việc làm thường xuyên, thành phong trào, không hình thức, phải gắn với công việc cụ thể. Cán bộ phải gần dân, hiểu dân.
Đồng chí Trương Hòa Bình đề nghị các địa phương tiếp tục đề cao vai trò người đứng đầu, cấp ủy. Người đứng đầu phải thực sự gương mẫu. Gắn việc làm cụ thể để nêu gương cho người dân. Cần chọn vùng điểm, việc điểm để làm theo dạng mô hình để nhân rộng cho toàn tỉnh. Phát hiện bồi dưỡng những nhân tố tích cực, biểu dương những điển hình tiên tiến./.
Theo TTXVN