Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 4/12/2010 9:28'(GMT+7)

Các trường đại học chỉ muốn di dời một phần

Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Hồng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, về kế hoạch di dời các cơ sở y tế, trường học ra ngoài trung tâm TP Hà Nội, vừa được Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội trình UBND TP, để TP Hà Nội trình Chính phủ xem xét.

Đồng ý di dời

Thể hiện quan điểm riêng về kế hoạch di dời kể trên, ông Hồng cho rằng: “Một thành phố không thể chỉ có cao ốc, chung cư, mà rất cần có các trường Đại học. Giới học sinh, sinh viên là những người có học thức, sẽ góp phần làm cho thành phố văn minh hơn. Chứ không phải họ là đối tượng chính làm quá tải giao thông, hạ tầng…”

Ông Hồng cũng nói thêm rằng, để phục vụ quá trình phát triển, mở rộng, các trường cần di dời ra ngoại thành nơi có quỹ đất rộng. Nhưng không nên yêu cầu di dời toàn bộ, để chuyển đổi cơ sở hiện tại thành các khu thương mại, cao ốc, chung cư… Chúng ta thử hình dung, một thành phố chỉ có nhà ở, với cao ốc văn phòng thì đấy là thành phố kiểu gì?

Một thực tế hiện nay, các trường ĐH lớn nằm trong phạm vi 4 quận nội thành Hà Nội (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), đều đã lên phương án, và có những bước đi cụ thể, xây dựng cơ sở ở khu vực ngoại thành, hoặc các tỉnh lân cận.

Như ĐH Bách khoa từ những năm trước đã đi Bắc Ninh để xin mở cơ sở hai; trường ĐH Công đoàn từ những năm 2006 đã xin Hưng Yên được 1.000ha để xây dựng cơ sở mới ở Phố Nối; trường ĐH Y Hà Nội đến thời điểm này cũng đã được huyện Quốc Oai chấp thuận cho 60 ha đất xây trường; trường ĐH Ngoại thương sau khi mở một cơ sở 3 ở Quảng Ninh, hiện đang tiếp tục xin mở thêm cơ sở 4 ở Hưng Yên (cơ sở 2 của trường đặt ở TP. HCM)…

Nhưng phải có hỗ trợ

Đó là những trường đi tiên phong trong việc xin đất để mở rộng. Tuy nhiên, hiện nay các trường này đều “vướng” phải vấn đề tài chính, và một hành lang pháp lý cụ thể, gọn nhẹ để đẩy nhanh quá trình di dời.

“Mất gần 4 năm (từ năm 2006 - PV), đến nay chúng tôi mới được tỉnh Hưng Yên đồng ý cấp cho 1.000 ha đất để xây dựng khu đô thị đại học. Tuy nhiên, giờ phải tìm kinh phí, trước mắt là khoảng 60 tỷ để giải phóng mặt bằng trong tháng 12 này, chưa nói đến vốn đầu tư xây dựng hạ tầng…” - ông Phạm Quang Đạt, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, trường ĐH Công đoàn chia sẻ.

Cùng chung những quan điểm trên, nhưng trường ĐH Y Hà Nội lại phải đối mặt với những cái khó “rất riêng”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Với đặc thù là đào tạo y, sinh viên nhà trường ngoài học trên lớp, còn phải thường xuyên thực tập tại bệnh viện. Sinh viên gắn với bệnh viện, bệnh viện lại phải gắn với khu dân cư. Nếu có chuyển chúng tôi vẫn phải giữ lại cơ sở này, để những sinh viên năm cuối có điều kiện thực hành ở Bệnh viện của trường hiện nay”.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Văn Hồng cảnh báo: “Với trường ĐH Ngoại thương, đặc thù trường phải đặt ở trung tâm kinh tế, để sinh viên gắn học với thực hành, làm thêm, tiếp xúc với môi trường thương mại, và ở gần trung tâm. Nhiều em chọn vào học trường là vì những điều kiện đấy, giờ nếu di dời ra ngoại thành, việc ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng tuyển sinh đầu vào là khó tránh khỏi.”

Vì vậy, dù đồng ý chủ trương di dời ra ngoại thành, nhưng lãnh đạo các trường đều kiến nghị được giữ lại toàn bộ, hoặc một phần cơ sở hiện tại. Để đặt trụ sở chính, nơi tuyển sinh, nghiên cứu và đào tạo sau đại học. Hơn nữa còn là nơi lưu giữ truyền thống của mỗi trường.

Ngoài ra, các trường đều kỳ vọng Chính phủ và các Bộ, ngành cần sớm có chủ trương, chính sách cụ thể để hỗ trợ các trường di dời, rút ngắn thời gian làm thủ tục.

“Không thể có chuyện thanh lý cơ sở hiện nay để có tiền, rồi mới đi xây dựng cơ sở mới được. Mà giờ phải có tiền để đầu tư xây dựng mới, rồi chuyển sinh viên đi, mới có thể thanh lý một phần, hoặc toàn bộ cơ sở hiện nay được.” ông Phạm Quang Đạt đề xuất.

Theo Khoa học & Đời sống

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất