Thứ Ba, 7/5/2024
Khoa học
Chủ Nhật, 30/9/2018 9:36'(GMT+7)

Cách mạng công nghiệp 4.0 và thách thức bảo vệ môi trường

* Thách thức bảo vệ môi trường

Giai đoạn 10 năm (2008-2018), công tác bảo vệ môi trường đạt được nhiều chuyển biến tích cực, trong đó xu hướng suy giảm nhanh chất lượng môi trường được kiềm chế, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được ngăn chặn, mức độ ô nhiễm môi trường nhiều nơi không tăng hoặc tăng không đáng kể, chất lượng môi trường được cải thiện; một số dự báo tác động xấu tới môi trường từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội được ngăn ngừa có hiệu quả. Công tác ứng phó, giải quyết các sự cố, vụ việc ô nhiễm môi trường phát sinh trên phạm vi cả nước đã chuyển từ bị động sang chủ động, góp phần làm giảm các bức xúc, điểm nóng về môi trường.

Tuy nhiên, qua hàng loạt sự cố môi trường xảy ra cùng với xu thế phát triển các dự án công nghiệp quy mô lớn hiện nay cho thấy, việc kiểm soát hoạt động xả thải của các dự án, cơ sở; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các nguồn thải và đảm bảo năng lực ứng phó kịp thời là những thách thức đối với công tác ứng phó và xử lý các sự cố môi trường.

Việc huy động nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường trên nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền" còn gặp nhiều khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, thiếu cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Khoa học và công nghệ chưa thực sự là động lực tạo nên đột phá; chưa tận dụng được nhiều cơ hội, huy động tối đa các nguồn lực trong hợp tác quốc tế.

Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế diễn ra ngày càng sâu rộng, nhiều rào cản kỹ thuật được dựng lên, nhất là rào cản về môi trường, biến đổi khí hậu cản trở thương mại của các nước yếu thế, trình độ phát triển thấp. Chuyển đổi từ kinh tế "nâu" sang kinh tế "xanh" là một xu hướng tất yếu của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, môi trường xuống cấp và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gia tăng.

Trên thế giới, các nước phát triển đang có xu thế dịch chuyển các loại hình sản xuất cũ, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường sang các nước đang phát triển để giảm chi phí xử lý môi trường, khiến các nước đang phát triển phải gánh chịu "hậu quả" về ô nhiễm môi trường. Việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nguy cơ các doanh nghiệp lợi dụng việc cho phép nhập khẩu phế liệu để chuyển chất thải vào Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đứng trước những cơ hội khi đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản được hoàn thiện; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, hướng tới nền kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trở thành quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.

* Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên thế giới làm cho xu hướng phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia ngày càng sâu sắc, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội trong việc tiếp cận và ứng dụng các khoa học và công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường hiện đại, tự động, liên tục. Phát triển kỹ thuật số trong cách mạng 4.0 sẽ hỗ trợ công tác quản lý và cập nhật dữ liệu thông tin về môi trường, phát triển, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến trong quản lý môi trường.

Để tận dụng được cơ hội, đưa công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành một trong ba trụ cột phát triển bền vững, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho rằng: Cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường từ các hoạt động sản xuất; ưu tiên giải quyết những vấn đề môi trường nổi cộm, từng bước giảm nhẹ và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, nông thôn; tăng cường giám sát các vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới; nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu về môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế, thay đổi hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân...

Việc xây dựng và thực hiện các chương trình quan trắc và cảnh báo môi trường là quan trọng, nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn thải đảm bảo đồng bộ, thống nhất và được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về môi trường; kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường; tăng cường đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, tư liệu môi trường theo kịp xu hướng công nghệ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phục vụ có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cần được rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và hài hòa với quốc tế. Tổng cục xây dựng và triển khai hoạt động giám sát đối với các cơ sở, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, nhất là trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp ô nhiễm môi trường, khu vực nhạy cảm về môi trường; lựa chọn loại hình sản xuất và công nghệ trong xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016 - 2020 phải được thực hiện có hiệu quả.

Một số cơ chế, chính sách ưu đãi cần ban hành và triển khai có hiệu quả để khuyến khích hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; có lộ trình phù hợp giảm thiểu, tiến tới chấm dứt việc sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường; hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tăng cường nghiên cứu khoa học, hiện đại hóa công nghệ và sản xuất thiết bị tái chế, xử lý chất thải rắn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu về chất thải rắn cấp trung ương và địa phương.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần đổi mới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó tập trung vào các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường; các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường ven biển, lưu vực sông.

Cơ chế đột phá cần được xây dựng để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có chính sách sử dụng nguồn thu từ môi trường đầu tư trở lại cho môi trường; ban hành và thực hiện cơ chế thuế, phí, giá về môi trường phù hợp, chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường; tăng cường giám sát, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xuyên biên giới, tác động bất lợi từ hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa lên môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu; có chiến lược và các giải pháp hữu hiệu phòng chống nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu của nước ngoài./.

Minh Nguyệt/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất