Với 153
phiếu thuận, 146 phiếu chống, ngày 11/12 vừa qua, Thượng viện Pháp đã thông qua
nghị quyết đề nghị Chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Pa-le-xtin. Cùng
ngày, Ngoại trưởng Ai-len cũng khẳng định nước này sẽ sớm phê chuẩn đề
xuất của Quốc hội công nhận Pa-le-xtin là một quốc gia có chủ quyền.
Ngoại trưởng Ai-len Chác-li Phla-na-gan (Charlie Flanagan) ngày 11/12 cho biết, nước này đang xem xét đề xuất của Quốc hội sớm công nhận Pa-le-xtin với tư cách là một nhà nước độc lập nhằm tạo điều kiện thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông. Ngoại trưởng Ai-len khẳng định, việc hoàn tất thủ tục để công nhận Nhà nước Pa-le-xtin là mục tiêu của Chính phủ Ai-len, đồng thời nhấn mạnh việc công nhận Pa-le-xtin là quốc gia độc lập sẽ góp phần giải quyết xung đột tại khu vực Trung Đông.
Trước đó, các nghị sĩ Ai-len đã thông qua bản kiến nghị có tính biểu tượng đề nghị Chính phủ nước mình công nhận Nhà nước Pa-le-xtin sau khi Quốc hội Anh và Tây Ban Nha cũng đã tiến hành việc làm tương tự.
Trong khi đó, Pháp cũng đang có các động thái tích cực ủng hộ Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Trong vòng chưa đầy 10 ngày, cả Quốc hội và Thượng viện của Pháp đều đã thông qua nghị quyết về Pa-le-xtin. Theo Thượng nghị sĩ Đảng Xã hội Gin-be Rô-giê (Gilbert Roger), người đứng đầu nhóm xây dựng kiến nghị trình Thượng viện, việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin “là bước đi đầu tiên tiến tới việc thiết lập quan hệ bình đẳng giữa Pa-le-xtin và I-xra-en” và là “điều kiện tiên quyết để tiến hành các cuộc đàm phán”.
Báo Le Figaro trích dẫn phát biểu nhân danh Chính phủ Pháp của Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Ha-lem Đê-di (Harlem Désir) cho biết, nước Pháp đang chuẩn bị tích cực cho một hội nghị quốc tế về vấn đề này. Ông Ha-lem Đê-di khẳng định: “Trong trường hợp mọi việc không tiến triển, nước Pháp cần phải thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin”. Pháp dự kiến tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông, huy động các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng như các nước thuộc Liên đoàn A-rập tham gia. Tinh thần vẫn là hướng tới một nền hòa bình lâu dài dựa trên sự tồn tại của hai nhà nước có chủ quyền và dân chủ, chung sống trong hòa bình và an ninh, dựa trên các đường biên giới đã hoạch định năm 1967.
Trước đó, ngày 2/12, Quốc hội Pháp cũng đã thông qua nghị quyết đề nghị Chính phủ Pháp công nhận Nhà nước Pa-le-xtin nhằm đạt được giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột giữa Pa-le-xtin và I-xra-en. Kiến nghị Quốc hội Pháp công nhận Pa-le-xtin là một nhà nước độc lập do Đảng Xã hội cầm quyền ở Pháp khởi xướng, theo đó tái khẳng định giải pháp hai nhà nước I-xra-en và Pa-le-xtin cùng tồn tại cạnh nhau là sự đảm bảo tốt nhất cho hòa bình tại Trung Đông.
Các nghị quyết của Quốc hội và Thượng viện Pháp được thông qua trong bối cảnh sức ép đòi công nhận Nhà nước Pa-le-xtin đang dâng cao tại châu Âu và được coi như cách để tái khởi động tiến trình hòa bình vốn đang bế tắc đồng thời cứu vãn giải pháp hai nhà nước.
Như vậy, tiếp sau Thụy Điển, Anh, Tây Ban Nha, Ai-len và Pháp là những quốc gia châu Âu tiếp theo đang có các động thái tích cực nhằm thúc đẩy việc công nhận Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông bế tắc kéo dài, đang ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ nỗ lực thành lập Nhà nước Pa-le-xtin và coi đây là một cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy giải pháp hai nước tiến tới giải quyết cuộc xung đột dai dẳng giữa Pa-le-xtin-và I-xra-en.
Những thay đổi nêu trên phản ánh sự mất kiên nhẫn của các nước châu Âu, trước tình trạng bế tắc kéo dài của tiến trình hòa bình Trung Đông, sau bao nỗ lực thất bại nhằm khởi động lại tiến trình này và đã tới lúc cần phải có một “cú huých” thực sự.
Mặc dù việc ủng hộ Nhà nước Pa-le-xtin của các quốc gia châu Âu, bước đầu có thể chỉ mang tính biểu tượng, không tác động nhiều tới chính sách của chính phủ các nước này, nhưng lại mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó không chỉ là nguồn cổ vũ to lớn đối với Pa-le-xtin mà còn tạo một áp lực đáng kể đối với I-xra-en, vốn đang thực thi những chính sách bị chỉ trích là gây cản trở cho tiến trình hòa bình Trung Đông./.
Mai Nguyên (QĐND)