Một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính
Nhằm thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn TP. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2018 – 2020.
Dự kiến trong quý 4/2018, TP sẽ tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt Nghị định này do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chủ trì. Kế hoạch gồm 4 nhóm nội dung chính: 1) Công tác triển khai, quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện; 2) Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành; 3) Kiện toàn tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và trụ sở của bộ phận một cửa; 4) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và 26 nhiệm vụ nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã.
UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện theo nhiệm vụ được phân công, đảm bảo thiết thực và hiệu quả; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị; định kỳ hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và kết quả triển khai cho UBND TP.
Phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính
Nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đón chào năm mới 2019 và kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019), Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong vừa phát động đợt thi đua cao điểm từ tháng 10/2018 đến cuối tháng 1/2019 tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ với chủ đề “Mỗi đơn vị quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, mỗi tổ chức chính trị - xã hội, mỗi tổ chức Đảng có một giải pháp thiết thực, một sáng kiến cải cách hành chính giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân và doanh nghiệp”. Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị sẽ đăng ký các giải pháp hành chính thiết thực, sáng tạo có tác dụng giảm phiền hà, tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
|
UBND các cấp, các sở, ban, ngành và đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận-huyện cần đăng ký và công bố đẩy mạnh thực hiện chính phủ điện tử; gia tăng các dịch vụ công trực tuyến nhất là dịch vụ cấp độ 3 và 4, mở rộng dịch vụ một cửa liên thông đa ngành; đơn giản hóa, chuẩn hóa, công khai các thủ tục hành chính, cụ thể hóa quy trình thực hiện ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho Chủ tịch UBND quận-huyện và thủ trưởng các sở, ban, ngành; thực hiện ghi nhận chính xác tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước tại các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; thực hiện hiệu quả việc tăng thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; sắp xếp lại cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị để nâng cao năng suất lao động của cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng cần đăng ký triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính như: triển khai Chính phủ điện tử gắn với thực hiện thành công 4 trụ cột của đô thị thông minh; triển khai quy trình rút gọn trong bồi thường, tái định cư, bàn giao đất khi triển khai các dự án để giảm thời gian chuẩn bị dự án; triển khai các chuyên đề đấu thầu chọn nhà đầu tư, chống thất thu trong đấu giá quyền sử dụng đất và chống chuyển nhượng dự án.
DUY PHONG