Thứ Tư, 16/10/2024
Xã hội
Thứ Bảy, 27/10/2018 6:22'(GMT+7)

Kỹ năng mềm rất quan trọng với người lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0

Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo khoa học đào tạo kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, do Trường Đại học Tài chính – Marketing và Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 26/10.

Nhìn nhận từ thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Thanh, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho rằng, hàng năm số sinh viên tốt nghiệp ra trường rất nhiều nhưng người sử dụng lao động lại không dễ tuyển dụng được nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế. Nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn, sinh viên ra trường thiếu các kỹ năng cần thiết cho công việc như giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, khả năng thích ứng, tác phong làm việc không chuyên nghiệp và trình độ tiếng Anh còn hạn chế...

Theo Thạc sĩ Phạm Ngọc Dũng, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây vấn đề phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên chưa được các trường đại học ở Việt Nam quan tâm, sinh viên cũng ít để ý trau dồi. Điều này dẫn đến việc chậm thích ứng với công việc, khó có khả năng tìm việc ở môi trường đòi hỏi sự hợp tác, cạnh tranh cao. Trong những năm gần đây, vấn đề này đã được các trường đại học quan tâm hơn nhưng chưa thực sự đồng bộ và đạt hiệu quả cao. Đào tạo kỹ năng mềm phải được nhìn nhận đúng mức, không phải là hoạt động đào tạo mang tính tự chọn hoặc bổ sung mà nội dung này cần có dung lượng nhất định trong chương trình đào tạo chính thức của mỗi trường.

Hiện nay, các kỹ năng mềm được trang bị chủ yếu ở các trường đại học gồm kỹ năng thuyết trình hiệu quả, tư duy hiệu quả và sáng tạo, giải quyết vấn đề và ra quyết định, giao tiếp và ứng xử trong kinh doanh, tổ chức công việc và quản lý thời gian, làm việc tập thể. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh từ bậc tiểu học, trung học chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng và hiệu quả chưa cao. Điều này khiến sinh viên mất thêm thời gian để học tập những kỹ năng mà nếu được dạy từ nhỏ thì hiệu quả sẽ cao hơn. Đơn cử như các kỹ năng thuyết trình, tổ chức công việc, quản lý thời gian, làm việc tập thể… nên được đưa vào giảng dạy từ bậc trung học cơ sở, có như vậy việc nghiên cứu và làm việc nhóm ở bậc đại học sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và có nhiều giá trị thực tiễn hơn. Còn ở bậc đại học, cùng với các kỹ năng đang được giảng dạy, cần thiết đưa vào nội dung chương trình đào tạo sinh viên kỹ năng phân tích và tổng hợp thông tin, kỹ năng thích ứng và kỹ năng lãnh đạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0./.

Thu Hoài/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất