Thứ Hai, 23/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 9/9/2012 14:23'(GMT+7)

Cái chữ trên non

Chị Trần Thị Hạnh hằng ngày đưa con vượt đường núi hơn chục km để đến trường.

Chị Trần Thị Hạnh hằng ngày đưa con vượt đường núi hơn chục km để đến trường.

 

Cho nên, chuyện tìm cái chữ, biết cái hay, học cái mới vẫn còn lắm gian truân. Ðó là những gì mà chúng tôi mắt thấy tai nghe về chuyện học cái chữ ở "nóc nhà miền Tây" - Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang).

Nhọc nhằn tìm chữ

Giữa tháng 8, tỉnh An Giang bắt đầu năm học mới 2012 - 2013, sớm hơn cả nước do chuyện lũ lụt miền Tây vẫn rình rập hằng năm. Cùng với hàng chục nghìn học sinh các cấp học toàn tỉnh, những học sinh trên Núi Cấm cũng bắt đầu bước vào năm học mới với những lo toan, khốn khó. "Từ giữa tháng 4-2012, khi mà hòn đá tảng bất ngờ đổ ập làm sáu, bảy người thiệt mạng, đường lên núi cũng bị phong tỏa, cho nên mần ăn đã thất bát nay càng thêm thất bát. Nhà tôi cũng muốn cho con đến trường, nhưng ngặt nỗi cái ăn còn lo chưa xong, đằng này hai đứa cùng một lúc đến trường lấy tiền đâu mà sách vở, tập viết, áo quần... Con Phụng hôm nay đúng ra đến lớp, nhưng nó nói thôi để em đi học, con ở nhà phụ mẹ bán hàng cho đỡ tốn tiền. Thương nó lắm nhưng tui cũng không biết phải nói làm sao" - chị Trần Thị Kim Loan (tổ 10, ấp Vồ Ðầu, xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), tay quệt nước mắt nói cùng đoàn vận động học sinh đến lớp khi thăm nhà em Lê Thị Ngọc Phụng, học sinh lớp 8 lên 9 Trường THCS Núi Cấm. Và đó cũng chẳng phải là trường hợp duy nhất mà đoàn vận động học sinh đến lớp Trường THCS Núi Cấm chứng kiến khi năm học mới 2012-2013 bắt đầu.

Ðã ngót sáu năm ròng gắn chặt với ngôi trường nằm chót vót trên đỉnh Thiên Cấm Sơn hùng vĩ, có lẽ thầy giáo trẻ Nguyễn Quốc Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Núi Cấm hơn ai hết hiểu được những khó nhọc trên con đường tiếp cận tri thức của  học sinh nơi đây. "Trên Núi Cấm này toàn trẻ nghèo, gia đình sống bám vào ruộng rẫy, vào những quầy hàng nhỏ mong chờ từng đồng lẻ thu được từ khách thập phương vãn cảnh núi non, chùa chiền ghé lại. Thế nên, chuyện chạy ăn từng bữa đã khó, cho con học hết tiểu học còn khó hơn, huống hồ đến cấp hai, cấp ba thì làm sao kham nổi. Phần lớn các em một khi đã quyết định bỏ học thì rất khó vận động trở lại lớp. Do vậy, năm nào cũng thế, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp đã thấp, tỷ lệ bỏ học giữa chừng còn cao hơn, nhất là năm nay do chuyện thiên tai, đá lở, đường đi phong tỏa, du khách đến ít, hàng hóa bán buôn ế ẩm, vận chuyển bất tiện, chi phí tăng cao, dẫn đến hết thảy kinh tế gia đình bà con trên núi sụt giảm nghiêm trọng, cho nên dù cố gắng cách mấy, nhà trường cũng lực bất tòng tâm" - thầy Nam buồn buồn chia sẻ.

Ðầu năm học nào cũng vậy, tất thảy thầy cô giáo ở ngôi trường cheo leo trên đỉnh Núi Cấm này đều mong sao tỷ lệ học sinh đến lớp đạt khá hơn. Ấy vậy mà con số không mong muốn "học sinh không đến lớp" luôn trong tình trạng năm sau cao hơn năm trước. Ngày đầu năm học 2012-2013 cũng không ngoại lệ, sau khi điểm danh sĩ số các em đến lớp, so sánh lại số liệu cập nhật, thầy Nam lắc đầu: "Ðầu năm đã có mấy lá đơn xin chuyển trường, nghỉ học. Vận động mãi cũng vài trường hợp chịu ở lại, giờ tỷ lệ đến lớp thực chỉ đạt 63 trong số 95 học sinh. Tỷ lệ mới có 66,32%. 

Cái cực mà thầy Nam lắc đầu ngán ngẩm ấy là chuyện thầy giáo, cô giáo chia nhau vượt hàng chục km đường núi để đến những ngôi nhà cheo leo, hun hút giữa bạt ngàn tán rừng Thiên Cấm Sơn. Những cái tên như: Vồ Bà, Cửu Ðỉnh, điện Chư Thần, điện Bồ Hông... xe gắn máy chẳng thể vượt tới, muốn đến chỉ có cách cuốc bộ, leo dốc đá cao vun vút, rồi trượt sâu xuống triền dốc thăm thẳm cả chục km. Ðôi khi các vồ, các điện (những cách gọi dân gian chỉ địa điểm, là hang động, đỉnh núi cao nơi đây) chỉ có một hai gia đình ở nhưng các thầy cô giáo trẻ cũng phải lăn lội vào để tìm hiểu, vận động đến bốn năm lần mới mong đạt được. "Cũng tội cho mấy em khi hằng ngày đến trường phải lội đường núi ít nhất cũng hai, ba km, có khi đến chục cây số. Mình người lớn, lâu lâu mới đi còn mệt đừ, huống hồ các em chỉ mười mấy tuổi đầu, hằng ngày mưa nắng đều phải băng bộ đến trường, đến lớp", thầy Ðặng Thanh Nhàn, Tổ trưởng phụ trách chuyên môn trường thật thà tâm sự.

Ánh sáng tương lai

Nói là khó thế, nhưng từ những ngày đầu chia tách từ phân hiệu, lập Trường THCS Núi Cấm, tất cả những giáo viên nơi đây (đều là giáo viên trẻ, phần lớn mới ra trường) đã dốc hết nhiệt huyết vào từng trang giáo án, từng con chữ mong sao những đứa trẻ nghèo khốn khó nơi "nóc nhà miền Tây" này có được tương lai xán lạn. "Mình đâu thể nói cái khó bó cái khôn được. Phải biết sống cùng và tìm cách vượt qua nó chứ. Bây giờ đã có trường học khang trang với đầy đủ bốn lớp chia đều bốn khối. Giáo viên dù còn thiếu vài môn như: Anh văn, âm nhạc, tin học..., nhiều thầy cô giáo trẻ chịu không nổi đã "bỏ đi nơi khác, thế nhưng đều đều mấy năm nay trường vẫn có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh", thầy Nam khoe với chúng tôi. Ðó là hơn chục giải học sinh giỏi lớp 9, năng khiếu chia đều cho sáu năm học qua. Riêng năm học  2011-2012 vừa qua có đến ba em cùng đoạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh gồm: Nguyễn Thị Bích Ngọc (môn văn), Lê Thị Mỹ Ngọc (môn lịch sử) và Phan Thị Huỳnh Như (môn địa lý) đều là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng đã vượt qua tất cả, làm rạng danh cho huyện biên giới miền núi Tịnh Biên và bà con trên đỉnh Núi Cấm này - "vùng trũng nhất trong hố trũng về học vấn của tỉnh, huyện" - như cách nói của thầy Nam. Ngoài ra, giải nhất về cuộc thi tranh vẽ tỉnh An Giang khối THCS và vận động viên Trịnh Lâm Hải vừa được gọi vào tuyển trẻ đội đua thuyền quốc gia... cũng xuất thân từ ngôi trường trên đỉnh Cấm Sơn hùng vĩ. Và cũng từ ngôi trường ấy, một tin vui khác đã đến những ngày qua khi Trần Hoàng Linh, một học sinh xuất thân từ mái trường THCS Núi Cấm thân yêu vừa thi đỗ vào Trường đại học Y dược Cần Thơ.

Trường THCS Núi Cấm được quyết định thành lập từ năm học 2005-2006, chia tách từ phân hiệu Trường THCS An Hảo (nay là Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm). Cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có, phải mượn tạm phòng học Trường tiểu học Núi Cấm. Ðội ngũ giáo viên chiếm đến 90% là mới ra trường. Ðến nay, sau hơn sáu năm thành lập, trường đã có bốn lớp chia đều bốn khối, 17 giáo viên, công nhân viên. Một dãy trường học kiên cố khang trang với hai phòng dạy học, một thư viện, một phòng vi tính với hơn 20 máy và phòng chuyên môn, phòng Ban Giám hiệu. Chỉ hai năm trở lại đây mới có điện lưới quốc gia mới lên trên đỉnh Núi Cấm này, cho nên chuyện dạy giáo án điện tử, tiếp cận công nghệ thông tin mới bước đầu phát triển. Nhà công vụ cũng vừa xây xong cho phần lớn giáo viên nhà trường trú ngụ..., phần nào giúp anh em yên tâm công tác.

Chúng tôi đề cập chuyện chế độ hỗ trợ. Những thầy giáo, cô giáo của trường đều lắc đầu ngao ngán: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi" khi vẫn còn quá nhiều bất cập mà giáo viên nơi đây đang phải gánh chịu dẫu đã có phản ánh nhiều lần với ngành, các cấp như nguồn nước sạch, như chế độ lương bổng, hỗ trợ đi lại lên xuống núi, chi phí cho việc vận động học sinh ra lớp không bỏ học... Tuy công tác trên núi cao, lại là địa bàn còn nhiều khó khăn, thế nhưng từ ngày thành lập trường đến nay, tất cả giáo viên Trường THCS Núi Cấm chưa từng được hưởng bất kỳ ưu đãi về chính sách nào từ lương bổng đến chế độ riêng biệt so với miền xuôi, thành phố. Giáo viên có nhà dưới núi thì hằng ngày đến trường tranh thủ kiếm thêm tiền từ "cuốc xe ôm" đỡ tiền xăng nhớt chở khách du lịch lên xuống núi. Người ở tập thể thì đến hai ba tháng mới dám về nhà một lần do chi phí đi lại tốn kém, chi phí ăn uống sinh hoạt trên núi cao gấp nhiều lần, trong khi đồng lương thì... "Anh em cũng nhiều lần phản ánh tới huyện, tỉnh, ngành giáo dục, từ trao đổi miệng đến văn bản báo cáo năm học, báo cáo riêng nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Giáo viên nơi đây giờ chỉ biết tự động viên nhau rằng, đã trót chọn "nghề giáo" thôi đành chấp nhận vậy". Thầy Tâm, phụ trách công tác đoàn, đội nhà trường tâm sự.

Chiều muộn, tranh thủ xuống núi kịp thời gian đóng cổng buổi chiều (mỗi ngày mở cổng hai lần do đường lên xuống núi phong tỏa để thi công, khắc phục sự cố đá lở), chúng tôi kịp ghi lại ý kiến của chị Huỳnh Thị Kiều, mẹ em Trần Văn Mến (học sinh lớp 6 bỏ học giữa chừng cuối học kỳ II năm học 2011-2012) chia sẻ trong ngôi nhà vách lá trống hơ, trống hoác, cả gia đình mưu sinh bằng những đồng tiền lẻ kiếm được từ quầy hàng nước và nồi bắp nấu trên đường lên điện Bồ Hông: "Chúng tôi lên đây sống cũng bởi cái nghèo cho nên dù gì cũng ráng cho tụi nhỏ có cái chữ để khác mình chứ. Ðời mình đã khổ không lẽ cho tụi nó cũng giống mình, cho nên dù gì tui cũng khuyên thằng Mến năm nay phải tránh xa đám bạn xấu mà đi học thành tài". Lời tâm sự ấy cùng những nhiệt huyết và thành tích dạy và học của thầy trò Trường THCS Núi Cấm đã nung đúc thêm cho chúng tôi niềm tin về một tương lai sáng hơn của "ánh sáng tri thức" sẽ thắp ánh sáng lên "bình minh nghèo khó" của những con người khốn khó trên đỉnh núi Thiên Cấm Sơn hùng vĩ.


Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất