Mùa thu Hà Nội, một buổi sáng sớm, đường phố tấp nập học sinh trong bộ đồng phục mới, náo nức tới trường trong ngày
khai giảng. Trên các tuyến phố, cờ hoa, bóng bay rực rỡ sắc màu giữa dòng người, xe.
Tại các cổng các trường tiểu học, mẫu giáo, các dịch vụ bán cờ, hoa giấy, bóng bay rất đắt hàng với giá trung bình từ 8-20 ngàn đồng/loại.
Vừa chọn mua chiếc cờ giấy, Hồng Nhung, học sinh lớp 5 trường Tiểu học Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) vừa nói với vẻ thích thú: “Sau kỳ nghỉ hè, ngày khai giảng là ngày chúng em chờ đợi nhất. Năm nay không phải lần đầu tiên được dự khai giảng năm học mới nhưng em vẫn thấy rất hồi hộp, tự tưởng tượng xem ngày khai trường năm nay sẽ như thế nào.”
Những quả bóng bay được bán với giá 15.000 đồng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Những em bé bắt đầu bước chân vào lớp một đầy vẻ bỡ ngỡ, mắt tròn tròn xoe, ngơ ngác, có bé còn nước mắt ngắn dài khi phải rời vòng tay bố mẹ để đứng xếp hàng nhưng không kém phấn háo hức khi dự lễ khai giảng đầu tiên.
Nhìn con vào lớp 1, chị Thanh Hoa (Cầu Giấy) xúc động nói: “Tôi còn nhớ như in, mới ngày nào cháu được sinh ra còn bé xíu. Vậy mà giờ cháu cũng bắt đầu đi học rồi. Nhanh quá!”
Tại trường Trung học Cơ sở Hữu Hòa (Thanh Trì), việc tập dượt cho ngày khai giảng đã được tổ chức cách đây chừng 10 ngày. Đội nghi lễ, các đội diễu hành của từng lớp đã được tập kỹ từng động tác khiến buổi khai giảng diễn ra rất tốt đẹp.
“Năm học này là năm cuối cấp nên ngày khai giảng này khá đặc biệt với bọn em. Chúng em sẽ cố gắng học hỏi thật tốt, để có thể bước vào cấp 3 một cách vững vàng,” Nguyễn Hoàng Ánh, cô học trò lớp 9 nói.
Học sinh xếp hàng ngoài đường, rồi diễu hành vào sân trường. (Ảnh: TH/Vietnam+)
Không có điều kiện rộng rãi như ngoại thành, nhiều trường học ở khu vực nội thành Hà Nội phải đón khai giảng trong không gian chật hẹp.
Tại trường Trung học Cơ sở Tây Sơn (Hà Nội), do sân trường chật hẹp, các em học sinh phải xếp hàng bên ngoài vỉa hè rồi mới diễu hành vào sân trường. Khi buổi lễ khai giảng bắt đầu, một số cô giáo phải cầm quạt nan phe phẩy cho các em đỡ nóng.
“Điều kiện nhà trường chỉ có vậy, chúng tôi phải khắc phục khó khăn thôi,” một cô giáo cười tươi, nói.
Còn tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, không khí khai giảng thật đặc biệt. Đội diễu hành người đằng sau đặt tay lên vài người trước để làm điểm tựa. Tuy khó khăn, nhưng những học sinh chuyên… sờ “con chữ” vẫn cười thật tươi, háo hức không kém gì những bạn học sinh lành lặn.
Nguyễn Thanh Tùng, một học sinh lớp 7 chia sẻ, tuy em không nhìn được sắc đỏ tươi của chiếc khăn đỏ trên cổ áo, nhưng em cảm nhận được rất rõ vinh dự được quàng trên vai và nguyện phấn đấu để trở thành công dân có ích.
Học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu náo nức trong ngày tựu trường. (Ảnh: H.V/Vietnam+) Cô Lương Thanh Mai, giáo viên Trường trung học phổ thông Thăng Long, Hà Nội chia sẻ, đã nhiều năm tổ chức cho các em khai giảng nhưng cảm xúc mỗi năm mỗi khác. Nhìn các em xúng xính đồng phục mới, tay cầm bóng bay, cờ hoa rực rỡ, thậm chí có em còn tinh nghịch tạo dáng cho mình một kiểu tóc ngộ nghĩnh ngày khai trường mà tôi không giấu được sự xúc động. Mỗi mùa khai trường, các em một lớn hơn, cứng cáp, trưởng thành hơn.
“Tôi vẫn thường nhắc nhở các em: Biển học là vô bờ, sự học là con đường đi cả đời, khổ luyện thành tài. Tiền nhân vẫn dạy đi học trước hết học lễ nghĩa để làm người, sau đó mới học tri thức để nên người. Điều đó không sai. Nhưng trong thời đại ngày nay, chúng ta không được tách rời giữa phẩm chất đạo đức-kỹ năng và tri thức. Một người đã có tinh thần học tập, làm việc nghiêm túc nghĩa là đã có phẩm chất trách nhiệm với bản thân và gia đình, xã hội,” cô Mai nói.
Xem chùm ảnh khai giảng năm học mới
tại đây./.
Nhóm PV (Vietnam+)